Quý III-2010 VN Index giảm từ 500 điểm xuống 450 điểm, rất nhiều CTCK lỗ chỏng gọng, nhưng CTCK Vndirect (VND) vẫn lãi trước thuế 53 tỷ đồng. Quý IV-2010, khi VN Index phục hồi từ 450 điểm lên gần 500 điểm, một số CTCK có lãi trở lại, nhưng VND lại lỗ hơn 117 tỷ đồng. Vì sao lại có sự tréo ngoe này?
- Lỗ vì tự doanh?
Trước tiên cần xem xét một số sự kiện liên quan đến VND trong thời gian qua. Đầu quý IV-2010, HĐQT của VND bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Giang, sinh năm 1986, làm Tổng giám đốc thay bà Nguyễn Minh Hương chỉ còn nắm giữ ghế chủ tịch HĐQT. Nhiều NĐT đã vô cùng ngạc nhiên trước việc VND có tổng giám đốc trẻ nhất trong ngành CK, rồi từ ngạc nhiên đến ngờ vực, khi dư luận hoài nghi: Phải chăng việc VND công bố một KQKD “đẹp” nhằm trấn an NĐT rằng “chúng tôi vẫn ổn”?
Một việc nữa cần phải nói đến là VND tiên phong trong việc cung cấp sản phẩm quyền chọn (option) khi Luật CK chưa cho phép. Từ đây, có giả thiết cho rằng VND lãi lớn trong quý III nhờ sản phẩm xé rào này, nên sau khi bị các cơ quan quản lý thổi còi, VND đã không thể hoạt động sôi nổi trong quý IV, dẫn đến bị lỗ. Điều này càng được củng cố hơn nữa khi trong KQKD 2 quý gần đây của VND, khoản mục doanh thu khác luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu. Theo giải trình của VND, doanh thu khác xuất phát từ “nỗ lực tìm kiếm giải pháp và phát triển hoạt động kinh doanh”.
Rất khó để tin rằng VND lỗ hơn 117 tỷ đồng trong quý IV chỉ xuất phát từ việc thanh khoản của TTCK sụt giảm, ảnh hưởng đến hoạt động môi giới. Nguyên nhân do không thể triển khai rộng rãi sản phẩm quyền chọn cũng khó lòng thỏa đáng, vì chi phí đầu tư cho sản phẩm này nếu có cũng không quá lớn. Những ai có kinh nghiệm tham gia TTCK đều biết tự doanh lúc nào cũng đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra tiền cho các CTCK, lãi to nhờ tự doanh và lỗ nặng cũng vì tự doanh.
Quý IV-2009, chi phí cho hoạt động tự doanh của VND chỉ gần 14 tỷ đồng, nhưng đến quý IV-2010 đã tăng lên gần 167 tỷ đồng, tức gần 12 lần. Đây là nguyên nhân chính khiến tổng chi phí hoạt động kinh doanh CK của VND tăng lên hơn 191 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần về hoạt động kinh doanh chỉ đạt hơn 92 tỷ đồng, dẫn đến việc lợi nhuận bị âm.
Khi TTCK hồi phục, CTCK lại bị lỗ vì tự doanh, chỉ có 2 khả năng: bộ phận tự doanh có vấn đề, hoặc CTCK cố ý phù phép. Cả năm VND chỉ đạt hơn 160 tỷ đồng lợi nhuận, kém xa so với dự kiến. Qua sự việc này, niềm tin của NĐT dành cho VND tổn hại nghiêm trọng và dường như đã “nhìn” trước được vấn đề này nên tính từ đầu năm 2011 VND bị giảm nhiều hơn tăng.
- Bạo phát, bạo tàn
Trước khi VND niêm yết, KLS (CTCK Kim Long) được xem là blue chip hàng đầu tại HNX, nhưng giờ đây CP này đang có dấu hiệu phải nhường vị trí cho VND. Những lý do có thể thấy được là vì KLS làm ăn thua lỗ triền miên, quý IV-2010 vừa rồi mới có lãi chút đỉnh, trong khi VND lại là một trong những CTCK có thị phần môi giới hàng đầu trên thị trường.
Vốn điều lệ của KLS lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, tương ứng với lượng cung CP khổng lồ, trong khi vốn điều lệ của VND “chỉ” mới 1.000 tỷ đồng, vẫn ở mức dễ chịu hơn. Một điều nữa, VND “ăn đứt” so với KLS là CP này có nhiều yếu tố hỗ trợ đặc biệt hơn. Mặc dù sản phẩm quyền chọn và bán khống vẫn chưa được phép triển khai, nhưng theo nhiều tin đồn, bằng nhiều cách khác nhau những “bang hội” môi giới vẫn tìm ra những biện pháp lách luật, hoặc làm trong âm thầm và VND là CP được ưa thích để triển khai.
CP không chỉ chịu tác động bởi các yếu tố cung cầu trên sàn, mà còn có thể bị ảnh hưởng bởi bán khống, quyền chọn thì biến động sẽ nhiều hơn và khó đoán định hơn, điều này sẽ kích thích các NĐT ưa thích lướt sóng. Nhưng khi những sản phẩm phái sinh vẫn chỉ hoạt động trong bóng tối, rủi ro NĐT đứng ngoài sáng gặp phải có thể lớn hơn rất nhiều so với kỳ vọng đạt được.
Một CP lớn thực sự phải có sức hút không chỉ ở tính chất đầu cơ mà còn ở nền tảng kinh doanh. Nếu chỉ có yếu tố thứ nhất mà bỏ quên yếu tố thứ hai, hoặc chỉ phù phép yếu tố thứ hai để phục vụ cho yếu tố thứ nhất, CP đó khó lòng duy trì được sự quan tâm của NĐT. Trong thời điểm hiện nay, chỉ có NĐT chọn CP chứ không còn chuyện CP giới hạn cho một đối tượng nào.
THÁI CA