Lòng tham, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, phát triển thiếu tầm nhìn và năng lực quản lý yếu kém ở từng nơi, từng lúc cần được nhận diện, khắc phục, đấu tranh ngăn chặn chứ “việc này không thể cứ đổ ông trời là xong”.
Trong bối cảnh đó, khẳng định như đinh đóng cột của người có trách nhiệm quản lý ngành lâm nghiệp rằng “lũ lụt ở miền Trung do biến đổi khí hậu, không phải do phá rừng”, đi ngược lại với đa số ý kiến người dân, xét về góc độ chuyên môn lẫn xã hội đều không mang lại sự đồng thuận! Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan hơn, thất thường hơn, thiên tai xảy ra thường xuyên hơn… là vấn đề toàn cầu, ai cũng biết.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, nên dải đất miền Trung ruột thịt cũng không nằm ngoài tác động đó. Nhưng đằng sau câu chuyện thiên tai luôn là hậu quả của nhân tai. Nguyên nhân lũ cuốn, sạt lở đất có phải chỉ do biến đổi khí hậu hay chính con người góp phần làm trầm trọng thêm tình hình? Chúng như những cú đấm bồi lên thân thể thiên nhiên và hậu quả là người dân lãnh đủ. Không thể phủ nhận thái độ vô can trước chuỗi đập thủy điện, tình trạng xả nước hồ chứa thất thường để vận hành thủy điện từng gây thiệt hại nghiêm trọng và nhất là nạn phá rừng diễn ra nhiều năm qua.
Khó có thể thuyết phục khi các nhà quản lý đưa ra số liệu thống kê 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có diện tích rừng trên 3,1 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng năm 2019 đạt 57,76%... nhằm kết luận sạt lở đất, ngập lũ không liên quan câu chuyện rừng.
Chính phủ thể hiện thái độ cương quyết thực hiện chủ trương “đóng cửa rừng tự nhiên” nhưng tình trạng rừng bị xâm hại vẫn xảy ra. Báo cáo của Bộ TN-MT cho thấy, diện tích rừng nguyên sinh cả nước giảm trầm trọng, hiện còn rất ít, chủ yếu còn ở những khu rừng phòng hộ, khu bảo tồn, phần lớn rừng tự nhiên hiện nay chỉ còn rừng nghèo. Không chỉ đổ lỗi cho tình trạng suy kiệt tài nguyên rừng tại miền Trung mà ở Tây Nguyên vốn được xem là “nóc nhà Đông Dương” cũng tồi tệ. Báo chí trích dẫn nguồn của Tổng cục Lâm nghiệp: từ năm 1975 đến cuối năm 2013, Tây Nguyên mất khoảng 32,8% diện tích rừng tự nhiên, giảm từ 3,8 triệu ha xuống còn 2,5 triệu ha. Tốc độ mất rừng tự nhiên lên tới 33.600 ha/năm và ngày càng tăng. Theo Bộ TN-MT, trong hơn 5 thập niên, lấy mốc năm 2015, Việt Nam đã mất 67% diện tích rừng ngập mặn so với năm 1943. Trong 22 năm (từ 1990-2012), tỷ lệ mất rừng ngập mặn cao gấp 1,7 lần giai đoạn 47 năm trước (từ 1943-1990).
Cùng với phá rừng là các công trình thủy điện tràn lan. Theo Tổng cục Năng lượng, số liệu thời điểm 2017, trong tổng số 824 dự án thủy điện ở Việt Nam có tới 714 là các dự án thủy điện nhỏ, chiếm 86,6% tổng số các dự án. Đã có nhiều dự báo về lợi ít, hại nhiều như “con dao hai lưỡi” của loại hình phát điện này. Theo các chuyên gia sinh quyển, để tạo ra 1MW điện phải “đổi” ít nhất 10-30ha rừng và để có 1.000ha hồ chứa nước cũng cần san phẳng, giải phóng 1.000-2.000ha đất rừng thượng nguồn. Như vậy, với 411 dự án thủy điện nhỏ có tổng công suất 4.515,7MW đã và đang xây dựng có không dưới 135.471ha rừng bị đốn hạ. Do thiếu quy hoạch chung nên các công trình thủy điện không có lưu lượng xả để duy trì dòng chảy; việc xây hồ chứa chưa quan tâm đến chức năng phòng chống lũ và cấp nước cho hạ du nên hạn hán và lũ lụt không chỉ là thiên tai mà còn do nhân tai.
Không thể phủi trách nhiệm quản lý khi cho rằng sạt lở đất, ngập lụt chỉ là do biến đổi khí hậu, không liên quan đến phá rừng. Thiên tai ở miền Trung không chỉ khu trú là chuyện của miền Trung mà cần có cách tiếp cận liên vùng, vừa là chuyện thiết thân hàng ngày của người dân, vừa là chuyện quốc gia đại sự và toàn cầu. Chắc chắn, tình trạng sạt lở đất gây chết người, lũ lụt nghiêm trọng diễn ra ở miền Trung “không thể đổ cho ông trời là xong” mà nó cần được nhận diện các nguyên nhân có liên quan, từ tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản và chạy đua làm thủy điện trong suốt thời gian vừa qua. Từ đó sẽ có phương án hợp lý để chủ động ngăn chặn, khắc phục tình trạng trên.