Cuối cùng thì đồ án thiết kế đô thị tỷ lệ 1/2000 và quy định quản lý không gian kiến trúc - cảnh quan trục đường Phạm Văn Đồng (Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) được mong đợi từ lâu chỉ còn chờ UBND TPHCM xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, niềm vui này không trọn vẹn. Đồ án thiết kế là câu chuyện của tương lai… thậm chí tương lai xa. Trong khi đó, các dãy phố nằm dọc đường Phạm Văn Đồng - tuyến đường nội đô đẹp nhất TPHCM vẫn nhếch nhác với nhiều ngôi nhà hình thù kỳ dị, siêu nhỏ, siêu méo và siêu mỏng. Giải pháp khả thi trước mắt để giải quyết tình trạng này vẫn còn bỏ ngỏ…
Có người đã trách, tại sao khi giải phóng mặt bằng để xây dựng đường, không tiến hành chỉnh trang luôn các ô phố xung quanh? Đây là kinh nghiệm đã được nhiều thành phố trên thế giới áp dụng và rất thành công. Không những thành phố đó có thêm đường mới mà còn có thêm các khu phố mới khang trang đẹp đẽ. Đặc biệt, giá trị gia tăng của các khu phố xây mới còn giúp họ bù một phần chi phí xây dựng đường. Thực ra, TPHCM không phải không biết việc này. Ngay từ khi bắt đầu cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và làm đường dọc kênh, cách nay gần 20 năm, TPHCM đã đưa giải pháp này ra để thảo luận… Thế nhưng, hàng loạt những khó khăn đã buộc thành phố phải chọn giải pháp khác… Chuyện cũ đã qua từ lâu nhưng nỗi day dứt, băn khoăn còn lại tới bây giờ. Bàn chuyện chỉnh trang đô thị trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay thật không đơn giản…. Thế nhưng, cứ đi rồi sẽ đến. Đa phần các ô phố dọc đường Phạm Văn Đồng đang được xây dựng bằng những vật liệu khá đơn giản, nhà cao tầng chưa nhiều, đặc biệt vẫn còn những con hẻm sâu hun hút với không ít ngôi nhà lụp xụp…
Nhiều chuyên gia về kinh tế và quy hoạch cho rằng, nếu có chính sách tài chính đột phá cộng với những chính sách đền bù thỏa đáng, chăm lo chu đáo cho cuộc sống người dân bị giải tỏa thì thành phố vẫn có thể tiến hành chỉnh trang các ô phố này. Chính sách tài chính có thể là miễn thậm chí giảm hoàn toàn tiền thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà đầu tư. TPHCM lập ban chỉ đạo chỉnh trang đô thị và mọi thủ tục hành chính chỉ qua “một cửa” này. Còn đối với người dân bị giải tỏa, ngoài việc cam kết cho tái định cư tại chỗ với diện tích ở thỏa đáng, có thể có chính sách cho họ tham gia góp vốn cùng nhà đầu tư khai thác các dịch vụ thương mại ở tầng trệt (trong khối cao ốc chung) nhằm đảm bảo cuộc sống lâu dài cho người dân…
NGUYỄN KHOA