Giới trong nghề nhỏ to với nhau, rằng sự khích lệ từ những người đầu ngành TDTT Việt Nam vừa đưa ra (VĐV đoạt HCV tại Asian Games 2014 ở Hàn Quốc sẽ được công nhận đoạt 3 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014) là rất đáng kể, dù không phải VĐV nào cũng có thể đạt được, ngay cả đối với những người xuất sắc nhất…
Nói như ông Lâm Quang Thành, Tổng cục phó Tổng cục TDTT, điều này có thể kích thích các địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng đầu tư cho VĐV tài năng của mình. Thậm chí, lý giải theo một hướng khác, Tổng cục TDTT đang khơi dậy “lòng tham” thành tích của các địa phương. Có VĐV đoạt HCV châu lục và chỉ cần đầu tư một lần, nghiễm nhiên hưởng vượt khung thành tích trong nước, ai cũng đều muốn cả và tin chắc kẻ mạnh dạn hơn sẽ nắm được lợi thế.
Biện pháp “kích cầu tham vọng” này khi Tổng cục TDTT đưa ra đã nhận được những phản hồi trái ngược, nhưng rất nhiều địa phương đồng tình. Dĩ nhiên, cơ hội chia đều cho tất cả. Địa phương nghèo kinh phí hơn buộc phải dồn sức đầu tư cho môn thể thao trọng điểm của mình để VĐV tài năng của mình đã giỏi càng xuất chúng hơn. Những Trung tâm đào tạo mạnh, giàu tiềm lực tài chính và nhân lực như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… cũng sẽ nghiêm túc và bớt dàn trải hơn trong cuộc đầu tư vì tương lai của mình.
Tất nhiên, đích ngắm HCV Asian Games 2014 không hề dễ dàng, nhất là khi sự cạnh tranh ở sân chơi hàng đầu châu Á ngày càng khắc nghiệt và khó lường. Thể thao Việt Nam từng khắc khoải với giấc mơ HCV suốt cả kỳ đại hội năm 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc), biết bao lần nuốt nuối tiếc vào trong vì “rơi vàng” phút cuối.
Đấy là năm chúng ta chỉ trở về với vỏn vẹn 1 tấm HCV của nữ võ sĩ Karatedo Lê Bích Phương. Đấy là năm thể thao Việt Nam rất tin tưởng vào cú “vượt vũ môn” ở các môn thế mạnh như điền kinh, karatedo, bắn súng, wushu, cờ, cầu mây… nhưng rốt cuộc đã phải ngậm ngùi và chợt nhận ra cuộc đầu tư là chưa đủ để nâng tầm cho VĐV chúng ta đủ sức đua tranh cùng bè bạn châu lục.
Lấy thành tích ở Asian Games 2014 để thẩm định năng lực của thể thao Việt Nam là điều rất đáng mừng. Thậm chí, đặt chỉ tiêu thành tích ở những “mặt trận” cam go hơn nữa như giải Vô địch thế giới, Olympic cũng đều được cho là hợp lý, vì nó chỉ ra chúng ta cầu tiến, biết hướng về phía trước bằng sự lạc quan chứ không nhờ đến điều may rủi.
Hơn nữa, thực sự nghĩ tới đấu trường châu lục tức là tư duy của giới chức thể thao Việt Nam đã rất khác, bắt đầu lãng quên dần cuộc đua ở “vùng trũng” Đông Nam Á. SEA Games kể từ đây chỉ nên xem là cơ hội thử sức, dịp chứng minh tài năng của những VĐV trẻ triển vọng. Họ học việc ở đó, rèn luyện bản lĩnh tại đó trước khi bước lên một nấc thang mới: thay thế những đàn anh, đàn chị xuất chúng ở các sân chơi đầy thử thách và vinh quang hơn.
Thế cho nên, dù chưa thể biết chắc kết quả của biện pháp “kích cầu” mà Tổng cục TDTT vừa đưa ra sẽ đi đến đâu, vẫn hình dung được một cuộc chạy đua ở khắp nơi sẽ diễn ra, âm thầm nhưng chất chứa đầy khát vọng. Thể thao Việt Nam cần thêm những điều mới mẻ như vậy!
LÊ QUANG