Chắc chắn phải khá lâu nữa, những thương tổn của nền kinh tế vì dịch Covid-19 mới có thể định lượng được, nhưng ngay tại thời điểm này, những tác động rõ rệt của dịch bệnh này đến “nồi cơm” của từng gia đình, từng doanh nghiệp đã khá rõ.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế cho Thủ tướng, Chỉ thị 11/CT-TTg (về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19) đã nêu ra rất nhiều nhóm giải pháp, nhưng trong đó, đáng chú ý là nhóm giải pháp về đẩy mạnh đầu tư công. TS Nguyễn Đức Kiên nói: “Phân tích tác động của dịch bệnh đến hai nhóm ngành nghề (thương mại dịch vụ và sản xuất), có thể thấy cung - cầu đều khó khăn và “kích cầu” ngay cũng khó có tác dụng đáng kể. Trong bối cảnh đó, thúc đẩy đầu tư công, chú trọng chất lượng, chú trọng những lĩnh vực có sức lan tỏa mạnh mẽ là giải pháp cần ưu tiên hơn cả”.
Thực tế, mức giải ngân vốn đầu tư công như thời gian qua cũng tương đối khả quan. Đầu tháng 3, Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn trong 2 tháng đầu năm nay đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái cả về tiến độ và mức thực hiện. Cụ thể, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 29-2 đạt hơn 34.749 tỷ đồng, bằng 7,38% kế hoạch được Quốc hội giao.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bộ, ngành chưa giải ngân được đồng vốn nào và ở nhiều địa phương, tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Nói cách khác, vẫn còn nhiều dư địa để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai các dự án đầu tư công. Trong một báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng nhấn mạnh đề nghị chú ý đến các khoản giải ngân vốn ODA (được giải ngân rất chậm trong những năm gần đây), cũng góp phần giải quyết một số bất cập tồn đọng. Những bất cập này, theo WB, sẽ được cải thiện đáng kể nếu đảm bảo được tính nhất quán và minh bạch về vai trò và nhiệm vụ của các cơ quan hữu quan phụ trách quản lý nguồn vốn ODA theo hướng đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa các thủ tục phân bổ ngân sách hàng năm. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính được đề nghị chỉ tiến hành các quy trình thẩm định hoạt động cho vay lại một lần trong quá trình chuẩn bị dự án và xem xét áp dụng hình thức giải ngân điện tử, bao gồm việc chấp nhận bản điện tử các tài liệu/chứng từ cho công tác rà soát hồ sơ…
Theo Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ, các dự án cần ưu tiên trong thời gian tới cũng chính là các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, như các dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài; xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020... vốn đang bị chậm trễ.
Để tạo nên cú hích cho các dự án này, các giải pháp “truyền thống” vẫn hết sức cần thiết: các bộ, ngành, địa phương cùng rà soát các dự án có tác động lan tỏa tới nền kinh tế, đề xuất cách tháo gỡ cụ thể cho từng dự án, theo nguyên tắc vướng ở đâu, quy định nào, đầu mối xử lý... Cần rút ngắn tối thiểu thời gian xử lý các dự án. Đây chính là thời điểm mà lãnh đạo phải thể hiện bản lĩnh dám quyết định, dám chịu trách nhiệm trên cơ sở các quy định; đồng thời bám sát quá trình thực hiện dự án để “vướng đâu gỡ đấy”.
Hơn bao giờ hết, thái độ và cả cách thức làm việc của các bộ, ngành và từng cán bộ trong bộ máy phải thay đổi. Có thể có những vướng mắc chưa gỡ được ngay, vì nằm trong luật, nghị định; cần phải có thời gian để xem xét, sửa đổi. Nhưng với việc lãnh đạo các bộ, ngành chủ động đi tìm các nút thắt, tìm cách gỡ; các cán bộ thừa hành tích cực giải quyết công việc thay vì ngồi đợi “đúng quy trình” thì đầu tư công sẽ chuyển biến tốt hơn, nhất là khi đang có sẵn đà tăng tốc khả quan.