Năm 2012, UBND TPHCM đã 2 đợt giao kế hoạch đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TPHCM lên tới 38 dự án. Trong đó có những dự án đã kéo dài nhiều năm mặc dù vốn đã được giao hoặc đã được ghi. Điển hình nhất phải kể đến là một số dự án trọng điểm bệnh viện cửa ngõ thành phố nhằm giúp giảm tải đã được lãnh đạo thành phố yêu cầu xúc tiến khởi công trong năm 2010 - 2011 nhưng sắp hết năm 2012 vẫn “giậm chân tại chỗ”. Điều này có nguy cơ dẫn đến những hệ lụy về chăm sóc sức khỏe nhân dân và lãng phí ngân sách.
Điệp khúc vướng đền bù giải tỏa
Với quy mô 1.000 giường bệnh và tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh đã được UBND TPHCM chỉ đạo khởi động từ năm 2010 và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2013. Đây là một trong những dự án được người dân thành phố chờ đợi nhằm góp phần giải quyết tình trạng quá tải của hai bệnh viện nhi hiện có là Nhi đồng 1 ở quận 10 và Nhi đồng 2 tại quận 1. Thế nhưng, hiện dự án này vẫn đang trong quá trình thương lượng đền bù giải tỏa. Báo cáo về tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản mới đây, ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết dự án được mời thiết kế của nước ngoài nên đang trình UBND TP xem xét, đồng thời cũng đang chuẩn bị phê duyệt dự án san lấp. Tuy nhiên, ông Biết cũng thừa nhận đang giao UBND huyện Bình Chánh xúc tiến giải tỏa, bốc mộ nhưng xem ra chậm chạp. “Cố gắng lắm thì sang giữa năm 2013 mới tiến hành san lấp được”, ông Biết nói…
Dù đã tiến hành các thủ tục để đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) ở quận 9 từ năm 2007, nhưng đến nay dự án vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Mặc dù đã tìm cách tháo gỡ để sớm khởi công xây dựng nhưng theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu, dự án vẫn chậm tiến độ. Và sau một thời gian dài bệnh viện nỗ lực thành lập Ban Quản lý dự án, thi tuyển tư vấn thiết kế và xúc tiến giải phóng mặt bằng, thì đùng một cái dự án được giao về Ban Quản lý của Sở Y tế làm chủ đầu tư. “Bệnh viện hiện tại quá tải quá rồi, mong sớm xây dựng cơ sở 2 nhưng coi bộ lâu quá. Hy vọng chuyển lên cho Ban quản lý dự án của Sở Y tế thì giải quyết vướng mắc nhanh hơn”, BS Lê Hoàng Minh cho biết. Dự án Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) được giao gần 5,5ha đất với quy mô 1.000 giường bệnh và đã được ghi vốn lên tới 1.964 tỷ đồng từ mấy năm nay nhưng theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM thì cũng đang chọn nhà thiết kế và hoàn thành thiết kế cơ sở. Còn lúc nào khởi công thì chưa hứa hẹn được…
Theo Sở Y tế TPHCM, hiện còn tới 9 dự án bệnh viện do Sở Y tế làm chủ đầu tư vướng mắc, kể cả các bệnh viện cửa ngõ như dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (giai đoạn 1), dự án cải tạo mở rộng Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Hóc Môn (giai đoạn 1), dự án bệnh viện cửa ngỏ Củ Chi, quận 7, nâng cấp mở rộng Bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố…
Lãng phí?
Trong khi đó, ngay cả dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) do Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa (Tập đoàn Đức Khải) làm chủ đầu tư khởi động từ 2009 đến nay cũng vướng đền bù. Mặc dù chủ đầu tư đã chọn được phương án thiết kế, đã ký hợp đồng BT với UBND TPHCM nhưng theo ông Nguyễn Hòa (phụ trách dự án) thì vẫn đang trình mức thỏa thuận giá hỗ trợ đền bù với người dân, chưa thống nhất tiêu chuẩn tái định cư… Mặt khác, vẫn còn vướng mắc trong việc đề nghị thẩm định giá khu đất của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình hiện tại ở trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5. “Chủ đầu tư đề nghị thẩm định giá khu đất bệnh viện cũ được hoán đổi ngay thời điểm phê duyệt dự án xây mới bệnh viện chứ không đợi đến khi hoàn thành dự án mới thẩm định. Như vậy sẽ trượt giá rất nhiều lần”, ông Nguyễn Hòa nói. Chính vì những vướng mắc đó mà thay vì sẽ động thổ xây dựng trong năm 2011, thì dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (mới) vẫn còn ì ạch và theo ông Nguyễn Hòa thì không tránh khỏi những lãng phí về công sức và cả tăng thêm mức đầu tư so với dự tính ban đầu đã ước tính cách nay mấy năm. Nhưng lãng phí lớn nhất là không thể sớm giải quyết tình trạng quá tải cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình hiện nay và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân…
Tương tự, dù đã được duyệt quy hoạch và thậm chí đã tổ chức thi thiết kế công trình từ giữa năm 2010 nhưng đến nay, khoảng đất trống của dự án xây mới, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức vẫn chỉ có… cỏ và cây. Trong khi bệnh viện hiện hữu đang có dấu hiệu xuống cấp và chật chội, lượng bệnh nhân tăng lên nên luôn quá tải. “Bây giờ ghi vốn là gần 2.000 tỷ đồng nhưng nếu vài ba năm nữa mà xây thì kinh phí đó đã đội lên rồi”, một lãnh đạo bệnh viện băn khoăn.
Từ năm 2007, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Y tế triển khai chủ trương quy hoạch cụm các bệnh viện cửa ngõ của TP nhằm hút bệnh nhân từ các tỉnh, giảm áp lực quá tải cho các bệnh viện nội thành. Theo đó, tổng kinh phí đầu tư dự kiến cho 5 bệnh viện được đưa ra vào năm 2008 khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng nhưng đến nay chắc chắn kinh phí đó đã lạc hậu, thậm chí có thể tăng lên gấp vài lần.
Việc đầu tư xây dựng bệnh viện giúp giảm tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân thành phố và các tỉnh lân cận là cần thiết. Tuy nhiên, với sự chậm chạp của ngành y tế TP đang khiến dư luận không khỏi bức xúc. Nên chăng, cần có những biện pháp quyết liệt, kể cả quy trách nhiệm để xúc tiến các dự án bệnh viện, vừa đáp ứng nhu cầu người bệnh, vừa hạn chế lãng phí do kéo dài.
| |
Tường Lâm