Cử tạ Việt Nam thất bại: Sao thế Tuấn ơi?

Chúng ta rất kỳ vọng về khả năng giành được huy chương hạng 56kg cử tạ nam. Đáng tiếc trong buổi sáng thi đấu ngày 8-8, 2 lực sỹ Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn đều không có kết quả huy chương. Trường hợp của Kim Tuấn đã khiến nhiều người không thể lý giải vì sao lại thất bại…

Chúng ta rất kỳ vọng về khả năng giành được huy chương hạng 56kg cử tạ nam. Đáng tiếc trong buổi sáng thi đấu ngày 8-8, 2 lực sỹ Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn đều không có kết quả huy chương. Trường hợp của Kim Tuấn đã khiến nhiều người không thể lý giải vì sao lại thất bại…

Lực sỹ Thạch Kim Tuấn thất bại ở hạng cân 56kg nam.

1.460 ngày dài bất tận

Trước khi nội dung 56kg cử tạ nam của Olympic 2016 diễn ra, những người lạc quan nhất của thể thao Việt Nam vẫn đủ tin Thạch Kim Tuấn triển vọng giành huy chương. 5 giờ sáng 8-8 (theo giờ Việt Nam), Tuấn ra thi đấu và ai cũng thấy, sự tự tin đáng kể trên gương mặt lực sỹ này mỗi lần ra bục nâng tạ. Nếu bảo chàng trai số 1 hạng 56kg nam của cử tạ Việt Nam bị áp lực tâm lý thì rất khó lý giải vì tất cả hình ảnh được chiếu trên màn hình thấy rõ, Tuấn giữ phong thái rất ổn định và luôn mỉm cười sau mỗi lần cử kể cả lúc không thành công.

Nỗ lực hết mình…

Trở lại thời gian cách đây 4 năm (tương đương 1.460 ngày), Thạch Kim Tuấn lúc đó bước vào cuộc thi đấu nội bộ với đàn anh Trần Lê Quốc Toàn tại Giải VĐQG 2012 diễn ra ở Hải Phòng. Khi đó, người thắng trong hạng cân 56kg sẽ được cử đi London (Anh) thi đấu Olympic 2012. Kim Tuấn lúc đó rất tự tin bước ra tranh tài với những người rất mạnh mẽ là Trần Lê Quốc Toàn và Hoàng Anh Tuấn. Thế nhưng, chính sự tự tin hơi quá ấy của Tuấn đã làm cho bản thân mình không cử đẩy tất cả các lượt nên rời giải không có thành tích.

Năm đó, Trần Lê Quốc Toàn nhẹ nhàng thắng lợi với mức tổng cử 285kg và có vé lên đường dự Olympic 2012. Kim Tuấn và HLV Huỳnh Hữu Chí chịu nhiều áp lực sau đó và hai thầy trò quyết tâm làm lại. 1.460 ngày chờ tới cuộc tranh tài Olympic 2016, tất cả những sự chuẩn bị của Tuấn gần như hoàn hảo nhất từ việc cọ xát thực tế giành huy chương SEA Games 2013, Asian Games 2014, Giải VĐTG 2014, 2015. Mức tạ tổng cử trong quãng từ 294kg tới 296kg của Kim Tuấn là tấm bùa đảm bảo lực sỹ của ta đủ tranh chấp huy chương nội dung tại Olympic. Nhưng ở ngày thi đấu tại Rio de Janeiro, có điều gì đó khó lý giải về phong độ của Kim Tuấn. Phải chăng, sự tự tin hơi quá của lực sỹ này đã khiến mình phải thất bại.

… nhưng bất thành.

Điều này lặp lại đúng như năm 2012. Chúng ta không đổ lỗi cho ai nhưng rõ ràng, Kim Tuấn được đầu tư mạnh mẽ và trước ngày thi đấu được chính nhà quản lý trực tiếp khẳng định sức khỏe đảm bảo và nâng đều mức tạ 300kg tổng cử (dù chưa ép cân nặng) nhưng ra thi đấu lại chỉ có số 0 là đáng trách. Tuấn đang ở tuổi 22, nếu còn quyết tâm và nỗ lực cùng sự tin tưởng tiếp của ngành TDTT, lực sỹ này sẽ tiếp tục rèn mình trong 1.460 ngày dài nữa chờ tới Olympic 2020.

Tan giấc mơ hoa

Những thông tin được truyền về từ Rio de Janeiro cho hay HLV Huỳnh Hữu Chí cũng thất vọng vì học trò thua bởi tâm lý và chấn thương. Nhưng ở một góc nhìn khác, chúng ta thấy buồn và tiếc cho những địa phương đã kỳ vọng về họ. Nếu thành công, Kim Tuấn sẽ tạo cột mốc lịch sử là tuyển thủ đầu tiên giành huy chương Olympic cho thể thao TPHCM.

Một ngày trước, thể thao Hà Nội cũng kỳ vọng vào Vương Thị Huyền như vậy. Cả 2 niềm hy vọng đánh rơi chiến thắng tự do chính mình. Olympic 2016 chưa kết thúc nhưng chắc tới 90%, hai đơn vị thể thao mạnh nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM thêm một lần không có huy chương ở Olympic. Có được một huy chương Olympic, vị thế hoàn toàn khác hẳn nhưng nỗ lực đã chuẩn bị hoàn hảo cho tất cả thì thực tế thi đấu lại không thành công, không ai biết trách ai. Dù thế, bộ môn cử tạ và Liên đoàn cử tạ Việt Nam cần phải kiểm điểm lại trách nhiệm cá nhân chứ không thể bỏ phí cơ hội đáng tiếc như vậy.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục