Câu chuyện trong ngày
Trong quần vợt có “cú ăn 4 Grand Slam”, trong bóng đá có “cú hatrick” hoặc “cú poker” ghi bàn, “cú hatrick” danh hiệu… Còn trong môn điền kinh ở đấu trường Olympic, một thuật ngữ khác đã ra đời, đó là “cú triple-triple”, hay hơn giản gọi là “cú ăn 3 của ăn 3”. Với tấm HCV cùng với đội chạy tiếp sức Jamaica ở cự ly 4x100m, Usain Bolt đã hoàn tất “cú hattrick” HCV ở Olympic Rio de Janeiro 2016.
Với kết quả này, “Vua tốc độ” đã trở thành VĐV đầu tiên trong lịch sử thắng “cú hattrick” HCV (100m, 200m và 4x100m) ở 3 kỳ Olympic liên tiếp. Xét về độ vĩ đại, có lẽ, anh chỉ còn thua kém mỗi mình “siêu kình ngư” Michael Phelps mà thôi…
Là người chạy ở vị trí chốt chặn cho tuyển Jamaica, Bolt đã có những khoảnh khắc cuối cùng ở đấu trường Olympic thật đáng nhớ. Không còn bực dọc vì không thể phá KLTG trong cự ly 200m ngày hôm trước, Bolt cười thật phấn khích vì đã tạo ra một kỷ lục khác cho riêng bản thân mình, để rồi anh có thể nói lới giã biệt Thế vận hội trong sự tự hào vô bờ bến. “Cú triple-triple”, không biết phải bao lâu nữa, điền kinh thế giới mới lại được chứng kiến một hiện tượng huy hoàng giống như anh. Anh, cũng giống như Michael Phelps trong bơi lội, hay Lionel Messi trong bóng đá, là độc nhất vô nhị trong môn thể thao anh theo đuổi.
Usain Bolt đã có “cú triple-triple” và không biết phải bao lâu nữa điền kinh thế giới lại được chứng kiến một hiện tượng huy hoàng giống anh?
“Nhiệm vụ đã hoàn toàn”, đó là câu đầu tiên mà Bolt muốn nói, sau khi chấm dứt chuyến hành trình tuyệt vời ở đấu trường Olympic. Giờ đây, anh đã có 20 lần vô địch thế giới và Olympic, trước đó, chỉ tính riêng trong môn điền kinh ở đấu trường Olympic, mới chỉ có 2 người thắng được 9 HCV, đó là huyền thoại chạy nước rút và nhảy xa người Mỹ Carl Lewis và VĐV chạy cự ly trung bình người Phần Lan Paavo Nurmi. Nhưng không ai chứng tỏ sự thống trị tuyệt đối như Bolt, và có lẽ, sau này sẽ cũng chẳng có ai làm được điều đó, như những gì mà Bolt đã nói: “Tôi hy vọng mình sẽ đặt ra một kỷ lục đủ cao để không ai có thể tái hiện chiến tích tương tự”.
Nếu chỉ tính ở các cự ly cá nhân, một chọi một, Bolt là “vô đối” ở đấu trường đẳng cấp quốc tế. Nhưng trong một cuộc thi nội dung tiếp sức đồng đội, một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến năng lực tác chiến độc lập của Bolt. Một cú trao gậy sai, một người chạy trước chậm chân… Đó là lý do Bolt đã phải lo lắng. Người lĩnh ấn tiên phong cho tuyển Jamaica là Asafa Powell, anh được xem là người có công lớn giúp khai mở thế tranh phong giữa điền kinh Jamaica với điền kinh Mỹ trong các cự ly chạy ngắn, là kỷ lục gia thế giới đầu tiên của Jamaica, và từ những gì anh tạo ra, Bolt mới kế thừa và vươn lên trở thành kẻ thống trị. Nhưng Powell đã già, đã chậm đi rất nhiều. VĐV chạy ở vị trí thứ 2 là Yohan Blake, được xem là người kế thừa của Bolt, nhưng hàng loạt chấn thương ở cả 2 chân đã cướp đi năng lực tranh đấu cao nhất của Blake, và giờ này, anh vẫn chật vật trong việc tìm lại phong độ đỉnh cao của mình.
VĐV chạy trước Bolt là Nickel Ashmeade, thành viên quen mặt của tuyển Jamaica ở các cuộc thi tiếp sức đồng đội đỉnh cao. Ashmeade có thành tích khá ổn định, không nổi bật như Powell hay Blake nhưng cũng chưa bao giờ sa sút quá nhiều. Dù vậy, Bolt vẫn cảm thấy lo lắng cho người đồng đội của mình. Đó là lý do, anh đã đợi chờ giây phút được Ashmeade trao gậy tiếp sức với những suy nghĩ lẫn lộn trong đầu, đa phần là lo lắng không muốn thấy sai sót.
“Tôi chỉ biết đứng nhìn họ thi đấu và cầu mong họ không gặp phải sai sót. Rồi ngay khi tôi vừa nhận được gậy từ tay của Ashmeade, tôi biết rằng tôi sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua này. Không ai có một đôi chân chốt chặn kết cục tốt như tôi. Tôi từng nói với các chàng trai: “Đừng để cho tôi quá nhiều việc phải làm”. Chiến thắng này chính là một sự khuây khỏa, bởi vì tôi đã có quá đủ áp lực phải thắng HCV từ ngày này sang ngày khác, từ giải đấu này sang giải đấu khác trong suốt những năm qua. Tất cả những tấm HCV này đều có ý nghĩa là cả thế giới. Tất cả chúng đều đặc biệt và đến đúng thời điểm. Tôi đã chứng tỏ tôi là kẻ vĩ đại nhất”.
“Vĩ đại nhất”, có lẽ cũng chẳng còn từ ngữ thích hợp nào khác trên thế giới để miêu tả về vóc dáng vĩ đại, về những kỳ công chấn động của Usain Bolt. Ở dưới nước, thế giới xanh thuộc về Phelps, thì trên cạn, đó là thế giới mà Bolt chính là kẻ thống trị. Anh sẽ không bị đánh bại, vì anh sẽ không tham gia kỳ Olympic nào nữa – trừ khi có kỳ tích xảy ra. Anh không cần phải tham gia Olympic để chứng minh bản thân mình, vì cả thế giới đã hiểu, và đó là cái điều mà đàn em của anh, Yohan Blake cũng đã nói: “9 tấm HCV biến Bolt trở thành bất tử. Anh ấy còn hơn là người vĩ đại nhất nữa”.
ĐỖ HOÀNG