Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có sự tham gia của 12 nước đang trở thành một chủ đề nóng trong hoạt động thương mại toàn cầu. TPP đang có sức hút lớn bởi quy mô của khối chiếm gần 40% sản lượng kinh tế toàn cầu và 1/3 thương mại thế giới. Việt Nam đặt rất nhiều kỳ vọng vào TPP, đây được xem là cánh cửa lớn mở ra cho xuất khẩu dệt may, da giày. Thị trường nội địa sẽ ra sao khi mà TPP, rồi đến FTA Việt Nam - EU, ASEAN+1 (Trung Quốc) có hiệu lực, hàng dệt may, da giày các nước cũng sẽ được rộng cửa vào thị trường Việt Nam?
TPP - yêu cầu cao hơn
Hiện cuộc đàm phán giữa các thành viên tham gia TPP vẫn chưa xong. Nhiều ý kiến cho rằng TPP sẽ được thực hiện vào cuối năm 2013, đầu 2014 nhưng điều này vẫn chưa chắc chắn. Và liệu Việt Nam có đạt được những thỏa thuận có lợi thế tốt hơn cho dệt may hay không? Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), đánh giá, TPP là một hiệp định hướng đến thế kỷ mới, với yêu cầu cao hơn cả WTO. Trong đó, Mỹ đưa ra yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn lao động. Để đạt được thuế suất 0% trong xuất khẩu thì phải đáp ứng được yêu cầu xuất xứ. Dựa vào kết quả Mỹ ký kết FTA với Chile và Peru cho thấy, yêu cầu hàm lượng giá trị trong vùng phải đạt 35% (sử dụng 35% nguyên phụ liệu trong các nước TPP). Tiêu chuẩn này cao hơn thông lệ quốc tế trước đây. Nếu thỏa thuận được thì liệu Việt Nam có đáp ứng được 65% hàm lượng còn lại hay không?
Có 2 phương pháp áp dụng để tính hàm lượng giá trị này, đó là phương pháp tính hàm lượng giá trị trong vùng và phương pháp chuyển mã số HS. Với phương pháp chuyển mã HS thì đã được quốc tế hóa, dựa theo các quy định, số liệu cung cấp từ hải quan để chứng minh nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Còn phương pháp tính hàm lượng giá trị vùng có phần phức tạp và tốn kém vì để chứng minh doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phải thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh nguồn sợi, vải này mua ở đâu, nước nào làm, họ mua sợi về dệt hay mua vải về bán… Trước đây, tham gia các hiệp định thương mại, nhiều nước chỉ quan tâm, yêu cầu xuất xứ mặt hàng vải, nút… mua từ đâu. Trong TPP, riêng với dệt may, Mỹ đưa ra chính sách xuất xứ từ sợi, nghĩa là sợi để dệt vải phải được sản xuất tại Việt Nam hoặc từ các thành viên trong khối TPP. Đây là yêu cầu quá khó với ngành công nghiệp phụ trợ còn quá yếu của Việt Nam.
Cánh cửa hẹp tại thị trường nội địa
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SX-TM May Sài Gòn, lo lắng rằng chúng ta đang đặt trọng tâm về một phía cho xuất khẩu mà chưa nghĩ và tính toán nhiều cho thị trường nội địa. Thị trường nội địa với sức tiêu thụ của gần 90 triệu dân sẽ như thế nào khi mà các hiệp định thương mại TPP, FTA Việt Nam-EU, hội nhập khu vực ASEAN+1 (Trung Quốc) dường như sẽ có hiệu lực liền kề trong khoảng thời gian 2, 3 năm tới. Các nước mở rộng cửa cho dệt may, da giày Việt Nam vào thị trường của họ thì ngược lại, Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa của các nước vào.
Hàng Trung Quốc giá rẻ chỉ mới đi đường tiểu ngạch, nhập lậu đã tràn ngập tại thị trường nông thôn, nay được đi đường chính ngạch thì không biết sẽ thế nào? Chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã phần nào “thuyết phục” được người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, đi cùng với đó phải là bài toán kinh tế. Theo ý kiến của nhiều người tiêu dùng, nếu chất lượng sản phẩm, giá cả giữa hàng Việt Nam với hàng của Trung Quốc chênh lệch 10-9, giá có đắt hơn chút thì họ cũng sẽ ủng hộ, chọn mua hàng Việt. Nhưng nếu có chênh lệch lớn về chất lượng mẫu mã, giá bán thì người tiêu dùng không thể có lựa chọn nào khác ngoài bài toán kinh tế của mình. Rồi các sản phẩm giày dép, túi xách, may mặc của các thương hiệu lớn cao cấp, trung lưu của các nước tham gia hiệp định thương mại cũng sẽ tràn vào Việt Nam mà không còn bị vướng rào cản thuế, thuế suất 0%. Trong khi đó, với mức sống ngày một nâng cao, tâm lý người dân vẫn chuộng hàng nhập khẩu hơn.
Ông Diệp Thành Kiệt cho rằng, trong TPP, các nước có khả năng đưa hàng dệt may, da giày vào Việt Nam cạnh tranh là Malaysia. Hiện giá bán hàng Malaysia cao hơn nhưng những thương hiệu thời trang may mặc, giày dép lớn đang sản xuất tại đây và dĩ nhiên những thương hiệu này có xuất xứ là Malaysia và sẽ đường đường chính chính vào thị trường Việt Nam với thuế suất ưu đãi. Thị trường nội địa vốn yếu ớt, thương hiệu không có, phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên phụ liệu của nước ngoài sẽ chịu tác động rất lớn từ hàng Trung Quốc.
Doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu trong nước cũng sẽ chịu cạnh tranh lớn. Dự báo, xuất khẩu dệt may sẽ tăng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Với công nghệ hiện đại, năng suất cao thì giá sẽ rẻ hơn, cộng với tâm lý chọn hàng của doanh nghiệp nước ngoài… thì chắc chắn nguyên phụ liệu của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam cũng sẽ cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, sản xuất của doanh nghiệp trong nước cũng sẽ có nguy cơ bị thu hẹp.
MỸ HẠNH