Cửa rả mỗi thời

Với người Việt ngày xưa, cổng ngõ và cửa rả không hẳn là phương tiện bảo vệ ngôi nhà. Nó như một niềm tự hào thì đúng hơn. Nhiều ngôi nhà nông thôn lợp lá tranh trát vách đất người ta cũng cố công xây lên một cái cổng gạch trát vữa trang trí hình cuốn thư. Cổng gần như không bao giờ đóng. Ngôi nhà hình như cũng chỉ có mỗi cái cổng gạch là đáng giá.

Hà Nội thời mới tiếp quản 1954 có hai loại cửa phổ biến cho mỗi ngôi nhà. Ở khu phố cổ phần lớn cửa được lắp ghép bằng nhiều tấm gỗ, kéo dài gần hết mặt tiền. Sáng ngày ra người chủ nhấc từng tấm xếp gọn xuống chân tường. Cửa đi bên cạnh thường chỉ là một cánh lớn có then gỗ cài bên trong. Cửa đa phần sơn màu nâu gụ. Hiếm khi thấy ai sơn lại. Lâu ngày mưa nắng bạc phếch làm nên vẻ cổ kính tao nhã cho những con phố hiền hòa. Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời sáng tạo của ông cho việc vẽ những ô cửa trầm mặc thanh tao mang đậm hồn cốt Hà Nội ấy.

Ở khu phố Tây phổ biến là cửa đi hai cánh nằm chính giữa mặt tiền. Cửa sổ hai bên trong kính ngoài chớp, sơn màu xanh lá cây vuông vức nổi bật trên nền vôi vàng đất. Cánh cửa đi được đóng theo lối “thượng song hạ bản”. Phần chấn song ở trên chế tạo bằng sắt uốn hình hoa lá rất công phu. Những thợ rèn khéo tay trên phố Lò Rèn tỉ mỉ uốn sắt tán đinh cho từng cánh cửa như một tác phẩm. Hiếm khi có những hoa văn, họa tiết trùng nhau ở mỗi ngôi nhà. Phần bản gỗ phía dưới được đóng khuôn tranh chạm trổ gờ chỉ cầu kỳ. Cũng không bao giờ có hai bộ cửa của hai ngôi nhà cạnh nhau được chế tạo giống nhau. Đó là tâm lý khác người của thị dân cũ. Người ta nhớ vị trí ngôi nhà định đến nhiều khi không phải là các số nhà mà là bộ cửa để người ta nhớ. Dĩ nhiên những khu phố Tây có kiến trúc thuộc địa được du nhập từ Pháp. Ngành kiến trúc đã có mặt ở Việt Nam vào năm 1925, là một khoa của Trường Mỹ thuật Đông Dương lúc bấy giờ. Nhưng các kiến trúc sư được đào tạo tại đây và cả những kiến trúc sư người Pháp khi thiết kế những công trình mới ở Hà Nội đều ít nhiều có những thay đổi theo xu hướng thẩm mỹ của người Việt. Họ không cho ra đời những ngôi nhà quá đồ sộ diêm dúa. Những bộ cửa ra vào và cửa sổ được thiết kế phần lớn nhỏ gọn vừa với sinh hoạt. Chỉ trừ những công trình công cộng mới có đôi chút khoa trương hào nhoáng.

Những công trình của Hà Nội cũ dần biến đổi theo thời gian và mục đích sử dụng. Khu phố cổ phải đương đầu với áp lực dân số ngày một tăng. Nhà cửa chia nhỏ, xé lẻ và cải tạo công năng đến không còn dấu vết và dạng thức kiến trúc cũ. Phổ biến nhất là người ta biến chúng thành những ngôi nhà ống với một ngõ nhỏ, lách người mà đi chạy theo suốt chiều sâu hun hút căn nhà. Các gia đình bám vào một bên con ngõ ấy trổ cửa ra ngõ đi chung. Cánh cửa đồng loạt mở vào trong nhà và chỉ còn ý nghĩa duy nhất là bảo vệ. Chẳng ai buồn gia công cho bộ cửa nhà mình có một thẩm mỹ nào đó. Tất cả kín bưng như vung nồi.

Khu phố Tây cũng bị chia năm xẻ bảy. Những biệt thự cũ nhồi nhét hàng chục gia đình. Cũng cửa gỗ liền tấm kín mít. Cái cổng chung cho cả xóm thường xuyên toang hoác chẳng ai buồn đóng. Nhiều ngôi biệt thự mất cánh cổng chỉ còn lại một con ngõ rác rưởi lộn xộn gạch vỡ. Cửa rả trong thành phố xuống cấp thê thảm kéo dài suốt từ thời chiến tranh cho đến tận cuối thập kỷ 90 mới có một thay đổi nhỏ. Nhưng rất tiếc thay đổi ấy lại không mang nhiều ý nghĩa thẩm mỹ. Người ta mở rộng đến hết cỡ tất cả các cánh cửa mặt phố. Và thêm vào chiếc cửa sắt xếp trăm nhà như một. Sáng dậy, cả dãy phố vang rền tiếng kéo cửa rít lên rợn người.

Nhưng người Hà Nội sớm phục hồi tâm lý không thích giống ai vào những năm gần đây. Đã xuất hiện vô vàn dạng kiến trúc cho những bộ cửa của từng ngôi nhà. Cố gắng ấy đã làm cho bộ mặt thành phố nhiều phần đổi khác. Những cửa kính tấm lớn, cửa sổ cách âm, cách nhiệt hiện đại ra đời. Những chiếc cửa cuốn chạy điện được lắp cho hầu hết các ngôi nhà để bảo vệ. Dĩ nhiên, người ta trang trí cho những bộ cửa muôn phần hấp dẫn cũng chỉ nhằm mục đích kinh doanh mà thôi. Thế mới biết những thay đổi từ thượng tầng định hướng đã tác động lên bộ mặt phố phường như thế nào.

Nhiều ngôi biệt thự ở các vùng ven nội mọc lên với những bộ cổng hết sức xa hoa ly kỳ. Những hoa sắt mạ vàng, những sư tử đá và tượng thiên thần, ngựa nghẽo, gà vịt được dịp trưng ra khắp mặt tiền. Cổng ngõ, cửa rả được làm bằng những vật liệu và thiết kế mới toanh cộng với tâm lý phô trương tiểu nông có từ vài trăm năm trước đang là điều đáng để suy nghĩ.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục