
“Mấy thứ hàng điện tử gia dụng như những đồ trang sức xa xỉ. Mình có vét sạch túi mua đồ xịn, mốt mới đến khi cần bán ra thì lấy vốn lại không tới một nửa. Cứ canh mua hàng cũ, còn xài tốt là được rồi. Lúc kẹt tiền, có bán đổ bán tháo cũng không tiếc.” Chị Trần Thị Hồng ở P.24, Bình Thạnh vừa móc tiền đưa cho con dâu đi mua ti vi, vừa dặn khéo.
Nghe kể lại chuyện này anh Lê Ngọc Bảo, kỹ sư điện tử ở P. 3, Q. 8 gật đầu tán thành. Anh nhận định: Mua ti vi giá rẻ cũng là một lựa chọn tỉnh táo. Nhờ gia nhập AFTA được giảm thuế nên các hãng điện tử lớn mới giảm giá. Thêm phần, các hãng luôn cạnh tranh nhau ra mẫu mới, những mẫu hàng ra trước đây vài tháng đều phải “down” giá. Nếu mình ít tiền nên mua loại TCL, 21 in khoảng 2,2 triệu đồng.

Màn hình máy tính cũ bày bán tại một cửa hàng trên đường Tôn Thất Tùng (quận 1).
Khá hơn nên mua Sony cùng cỡ, tốn khoảng gần 3 triệu là coi đã mắt ít nhất cũng 4-5 năm. Năm ngoái, muốn mua được một cái Sony 21 in, mất ít nhất 4-5 triệu… Tuy nhiên tiền nào của nấy, đừng ham rẻ quá rồi ôm đi sửa hoài cũng chán chết. Quan trọng là độ phân giải, chất lượng đèn hình. Hàng Trung Quốc- nghĩa địa - cũng có hai loại đèn hình. Đèn nguyên thuỷ thì tuổi thọ ít nhất cũng sáu năm.
Ở chợ Tân Bình gần ngã tư Bảy Hiền,người ta thường bán ti vi đèn hình vi tính. Loại đèn này xui thì xài hai tháng phải ôm ti vi đi sửa. Hên thì xài được một hai, năm- phập phồng lắm. Lúc mới mở ti vi đèn vi tính thường lên màu chậm hơn, nhìn kỹ có độ gợn sóng.
Khi xem hết hoặc mở lên mà chưa có chương trình thì những hạt mè không trắng rõ, một ba phần hạt ngã màu đen. Chưa kể đèn hình của Hà Nội làm chất lượng thường thấp hơn đèn second-hand của nước ngoài. Tay ngang nên mua hàng giá rẻ ở những siêu thị điện máy lớn thì sẽ an tâm hơn, vì có chế độ bảo hành tận nhà từ 1-2 năm. Mặc dù giá ở những chỗ đó thường đắt hơn các cửa hàng khoảng 100.000 đồng/cái.
Chị Phạm Thị Tiên, công nhân may, gốc Quảng Ngãi tạm trú P. 14, Tân Bình, bỏ ống bốn tháng trời mới mua nổi một cái tivi Sony nội địa 21 in giá 1,4 triệu đồng. Chị kể: “Có cái tivi, mỗi tối căn phòng ấm cúng hơn. Tuy nhiên tôi xem được gần một tháng, chưa đã mắt thì màn hình nổi sọc dưa. Mang ra chỗ mua ở chợ Tân Bình sửa, vì còn bảo hành. Gần ba tháng sau đèn màn hình lại tối thui. Đã hết hạn bảo hành. Ghét, tôi định bán lại, tiệm mua 500.000 đồng. Đành chạy mượn thêm cho đủ một triệu đồng để thay đèn hình tốt… Biết vậy cứ để dành thêm tiền mua một cái Sony mới coi cho sướng''.
“Sáu tháng trước, vợ chồng tôi cũng mua một cái tivi 21 in, vì mới ra riêng. Tôi mượn một ông thợ sửa điện tử đi coi, chọn dùm một cái LG 21 in ở một cửa hàng trên đuờng Nguyễn Thị Minh Khai, gần đài truyền hình TPHCM. Rẻ hơn ở Thiên Hoà, Nguyễn Kim 95.000đồng. Dù có đãi ông thợ quen một cữ nhậu thịt chó hết 50.000 đồng, tôi cũng còn lời một ngày rưỡi lương công nhân vợ tôi.” Anh Phạm Văn Lộc, chạy xe ôm ở P. 1, Q. 3,TP. HCM vỗ đùi, kể.
Còn anh Lê Ngọc Bảo cho rằng nếu có quen thân một thợ điện tử ở chợ Nhật Tảo, Q. 10 TP. HCM thì có thể mua hàng rẻ hơn giá ở những siêu thị điện máy 20.000-30.000 đồng/cái. Hàng này do một số nhân viên của công ty sản xuất “tuồn” ra.
Tại một số siêu thị điện máy lớn ở TPHCM giá một tivi Sony 21 in màn hình phẳng, âm thanh hifi, có ngõ DVD, 2 loa phía dưới, công suất 10 W là 2,9 triệu đồng. Theo những người chuyên kinh doanh hàng điện tử gia dụng, cuối năm 2003 loại ti vi này giá không dưới 4 triệu đồng.
- Máy tính giá rẻ lợi cỡ nào ?
Nguyễn Văn Hận, sinh viên Đại học sư phạm năm III, khoa sử, quê Vĩnh Long, xin gia đình ba con heo lứa bán lấy tiền ra khu Bùi Thị Xuân, Q. 1, TP. HCM mua một máy vi tính giá 3,5 triệu đồng. “Chỉ để luyện tốc độ đánh máy, nghe nhạc và chơi game thôi mà. Nhưng xài chưa được ba tháng đã bị nó hành. Phải tốn thêm cả triệu nó mới chạy êm. Tại mình tính già đổ hột, mua đồ nghĩa địa - phải chịu rủi ro thôi,” Hận rút kinh nghiệm.
“Trước khi mua máy tính giá rẻ, em tham khảo giá những hãng lớn như G6 F11, Thánh Gióng, Nguyễn Hoàng. Cuối cùng em bấm bụng mua của Nguyễn Hoàng - mắc hơn của G6 F11 đến 189.000 đồng. Được cái hàng này có bảo hành một năm, có thêm loa, modem, kính lọc màn hình, bao đậy. Nhờ lo xa, gần sáu tháng sau nó chứng thiệt. Em cũng đỡ cực, vì thợ của họ đến tận nhà”, Phạm Thị Nhung, quê Vũng Tàu, sinh viên năm hai, khoa Đông phương, Đại học khoa học xã hội và nhân văn TPHCM kể.
Nhiều chuyên viên vi tính cho rằng thường những dòng máy giá rẻ dùng màn hình Trung Quốc, bo mạch chủ kém chất lượng.
Theo thông tin từ văn phòng Khiếu nại người tiêu dùng phía Nam, 50% đơn khiếu nại của người tiêu dùng trong năm 2004 đều than oán chất lượng các loại hàng điện tử, điện thoại di động.
TRẦN AN