Cửa sổ thế giới: Bình đẳng về chất

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, bà Suraya Pakzad, Giám đốc và cũng là người sáng lập ra Tổ chức “Tiếng nói phụ nữ”, một đại diện cho những nhà hoạt động nhân quyền tại Afghanistan, được Tạp chí Time bình chọn là 1 trong số 100 người có ảnh hưởng đến thế giới nhất đã đưa ra lời nhận định khá “cay đắng” về một thực tế đang tồn tại ở đất nước Nam Á này. Theo bà, 68 đại biểu Quốc hội của Afghanistan, chiếm 25% số ghế, là nữ giới. Đằng sau con số ấn tượng này thực ra không phải là sự tiến bộ trong việc thay đổi quan niệm bình đẳng giới mà đó là thực tế “có cũng như không” của những đại biểu này.

Điều mà bà Suraya Pakzad nói quả thực không sai vì hầu hết những nữ đại biểu này do chính các thủ lĩnh quân sự địa phương trực tiếp lựa chọn. Khi trở thành đại biểu, chính những người này sẽ bị “điều khiển từ xa” bởi chính những thủ lĩnh trên. Bà Suraya Pakzad còn nhấn mạnh: “Chúng tôi không cần 68 con người chỉ biết ngồi cho đủ ghế. Tôi chỉ cần 10 người trong số họ có tiếng nói mạnh mẽ, vậy là đủ rồi”.

Việc bố trí nữ giới vào các vị trí trong quốc hội bắt đầu diễn ra sau khi chế độ Hồi giáo cực đoan Taliban bị đánh đổ ở nước này vào năm 2001. Thế nhưng, điều này đã không mang lại hiệu quả tích cực nào mà tình hình an ninh tại đây ngày càng phức tạp. Số lượng dân thường bị thiệt mạng do an ninh bất ổn ngày càng tăng. Bên cạnh đó là những vụ cưỡng hiếp phụ nữ cũng tăng nhanh và nạn nhân là các bé gái dưới 10 tuổi ngày càng nhiều.

LHQ đã từng đề ra mục tiêu có được 30% các vị trí lãnh đạo của các quốc gia là nữ giới vào năm 1995. Thế nhưng, cho đến hiện tại, mục tiêu này vẫn chưa thực hiện được khi chỉ mới dừng lại ở 18,8%. Ở các nước Bắc Âu, tỷ lệ này khá cao. Thụy Điển dẫn đầu khu vực này với 46,4%, theo sau là Iceland và Phần Lan với 42,9% và 40%.

Điều đặc biệt là ở Rwanda, quốc gia thuộc châu Phi, tỷ lệ này là 56,3%. LHQ cho rằng dù ở bất cứ vị trí địa lý nào, bình đẳng giới vẫn cần được nhìn nhận về bản chất thực sự, ở những cống hiến không mệt mỏi của họ chứ không chỉ dừng lại ở những con số thoạt đầu nghe thì ấn tượng nhưng lại đi ngược với những mong đợi và kỳ vọng.

Liên quan đến ngày lễ 8-3 này, tại Costa Rica, điểm dừng chân thứ 5 của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến công du 6 nước Mỹ Latinh, bà Clinton đã nhấn mạnh vai trò của những thương nhân là nữ giới trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế tại khu vực này phát triển. Trong khi đó, Tập đoàn Tài chính MasterCard đã thực hiện một cuộc khảo sát ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Kết quả cho thấy mức độ tự tin của phụ nữ trước nam giới trong mọi lĩnh vực đã đạt mức 85,57/100 điểm so với 84,47 điểm của năm ngoái. Đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế-tài chính, vai trò của phụ nữ ngày càng tăng dựa vào những quyết định đầu tư tài chính quan trọng mà họ tham gia.

Thiên Như

Tin cùng chuyên mục