Cục diện thế giới đang thay đổi

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine đang làm thay đổi cục diện thế giới, tác động lâu dài đến quan hệ quốc tế. Thế giới đang được chứng kiến một “gấu” Nga quyết đoán, một Liên minh châu Âu (EU) yếu thế và sự trở lại của Mỹ trên sân khấu châu Âu. Đó là nhận định chung của các chuyên gia được hãng tin AFP đăng tải. Xin được lược trích bài viết đáng chú ý này.

Theo nhận định của chuyên gia Viện Quan hệ quốc tế của Pháp (IFRI), Thomas Gomart, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến phương Tây sửng sốt khi sáp nhập CH tự trị Crimea vào Nga một cách nhanh chóng như thế. Chính vào lúc khó khăn như vậy, người ta mới thấy các nhà lãnh đạo của châu Âu không nhìn chung về một hướng để giải quyết khủng hoảng. Đến mức Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã phải cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) nhiều lần rằng “hãy nói một lời thôi” khi phản ứng lại các động thái của Nga.

Có thể nói EU hiện nay đang phụ thuộc vào Nga về mặt năng lượng và kinh tế. Nhiều tập đoàn như Total của Pháp đã đầu tư rất nhiều vào Nga. Vốn của các doanh nghiệp Nga cũng đang góp phần quan trọng vào thị trường chứng khoán London. EU đã dự tính sẽ đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng để bớt phụ thuộc vào Nga, nhưng đó chỉ mới là mục tiêu dài hạn. Cái khó nhất đối với EU hiện nay đó là trừng phạt Mátxcơva một cách hiệu quả, mà không gây ra bất cứ vấn đề nào về kinh tế của khối.

Châu Âu đang ở thế yếu. Rốt cuộc chính Mỹ đã phải lên tuyến đầu để đáp lại những lo ngại của các nước châu Âu từng thuộc khối Liên Xô cũ. Trong những năm gần đây, Washington đã phần nào bỏ rơi châu Âu để “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng khủng hoảng Ukraine buộc Mỹ phải quay lại châu Âu, cụ thể qua việc gửi 6 chiến đấu cơ F-16 đến Ba Lan và qua chuyến công du của Phó Tổng thống Joe Biden đến Ba Lan và 3 nước vùng Baltic, tất cả đều là thành viên khối NATO. Cũng giống như vào thời chiến tranh lạnh, Nga và Mỹ quay trở lại thế đối đầu.

Chuyên gia Xavier Follebouckt, đến từ Đại học Công giáo Leuven (Bỉ) nhận định, do các lãnh đạo Âu-Mỹ hiện giờ loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự đối với Mátxcơva, cho nên, qua việc sát nhập Crimea vào Nga, Tổng thống Putin muốn thử xem ông có thể “nắn gân” phương Tây đến mức độ nào.

Tuy nhiên, ông Follebouckt cũng nhận định rằng ông Putin sẽ không dừng ở việc sát nhập Crimea bởi Tổng thống Nga vẫn không từ bỏ giấc mơ xây dựng một “Liên minh Á-Âu”. Mátxcơva đã ký các hiệp định thuế quan với Belarus, Kazakhstan và Armenia, nhưng giấc mơ nói trên sẽ khó thành nếu không có sự tham gia của Ukraine. Tuy Nga hiện là nước sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới và sản xuất khí đốt đứng hàng thứ hai, nhưng ngoài 2 nguồn tài nguyên đó, kinh tế Nga chưa thật sự mạnh, trong khi đó còn gặp phải tình trạng dân số sụt giảm. Đó là chưa kể, trong cuộc biểu quyết vừa qua về nghị quyết lên án việc sát nhập Crimea vào Nga, Trung Quốc đã không bỏ phiếu, tức là không sử dụng quyền phủ quyết. Đây là một dấu hiệu cho thấy Nga đang bị cô lập hơn.

Tuy nhiên, trong cuộc đọ sức hiện nay với phương Tây, với tư cách thành viên thường trực HĐBA LHQ, Nga vẫn còn nắm một số quân cờ chủ lực. Không có Mátxcơva thì sẽ không thể nào giải quyết được vấn đề Syria, cũng như vấn đề hạt nhân Iran và CHDCND Triều Tiên. Bên cạnh đó, cả Mỹ và EU chưa biết hết những bước đi tiếp theo của Nga và Nga còn quân cờ chủ yếu nào trong tay có thể làm họ bất ngờ như quân cờ Crimea.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục