Cục này cho rằng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác thi chọn HSG quốc gia, dự thi Olympic khu vực quốc tế được Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện với nhiều đổi mới theo hướng ngày càng thực chất, nghiêm túc, khách quan hơn.
Kết quả thi chọn HSG hàng năm phản ánh đúng chất lượng dạy học, bồi dưỡng HSG của các địa phương trên phạm vi toàn quốc, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt học tốt ở các nhà trường, thực hiện mục tiêu chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, Cục Quản lý chất lượng cũng nhìn nhận, trong tổ chức thi vẫn còn có hạn chế: một số đơn vị mời các thầy cô giáo hoặc đưa học sinh trong đội tuyển về Hà Nội để ôn tập trước khi thi, gây ra thắc mắc hoặc băn khoăn, nghi ngại trong dư luận về tính khách quan, công bằng của công tác tổ chức thi và kết quả thi.
Nhận thấy tình trạng trên, trong các năm 2018, 2019, Bộ GD-ĐT đã thực hiện các giải pháp đổi mới trong tổ chức thi HSG quốc gia. Theo đó, tăng cường huy động các cán bộ trẻ, được đào tạo ở nước ngoài, ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tại các vùng miền khác nhau trên cả nước tham gia công tác chuyên môn của kỳ thi. Quán triệt nguyên tắc không cử những người dạy cho các đội tuyển dự thi chọn HSG quốc gia của các địa phương năm tổ chức thi tham gia để dần khắc phục tình trạng các địa phương tập trung về Hà Nội hoặc tìm mời các chuyên gia ôn tập, luyện thi gây ảnh hưởng xấu trong dư luận về tính khách quan, công bằng của kỳ thi.
Năm 2019, Bộ không mời người dạy cho các đội tuyển dự thi năm nay tham gia ra đề thi. Cùng với đó, mở rộng thành phần ra đề đề xuất: mời các chuyên gia trên phạm vi cả nước, các giáo viên của các trường THPT chuyên giới thiệu đề đề xuất. Đề đề xuất do tự tay chuyên gia, giáo viên giới thiệu niêm phong gửi đến được bảo quản theo chế độ mật tại thùng sắt niêm phong ở Cục Quản lý chất lượng và được bàn giao cho Hội đồng ra đề thi tại khu vực cách ly tuyệt đối còn nguyên niêm phong. Huy động giáo viên THPT chuyên giỏi; đặc biệt các giáo viên có học sinh đoạt giải tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế giới thiệu đề đề xuất và tham gia phản biện đề thi tại khu vực cách ly của Hội đồng ra đề thi. Sử dụng ý tưởng của đề đề xuất, các thành viên Hội đồng ra đề thi tại khu vực cách ly biến đổi ít nhất là 70% đề gốc để hình thành đề thi chính thức và dự bị cho kỳ thi. Đề thi chỉ trở thành đề thi chính thức và dự bị cho mỗi kỳ thi khi được các thành viên của tổ soạn thảo xây dựng, phản biện độc lập và thống nhất ký vào biên bản trình lãnh đạo Hội đồng ra đề phê duyệt.
Công tác coi thi được thực hiện theo nguyên tắc huy động cán bộ, giáo viên từ ít nhất 2 địa phương khác về làm nhiệm vụ tại Hội đồng coi thi của mỗi địa phương, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, giám sát tại các Hội đồng coi thi. Trong quá trình làm phách, nếu phát hiện các bài có dấu hiệu bất thường như đánh dấu bài, viết bằng các thứ mực khác nhau, cán bộ làm phách lập biên bản để gửi tới Hội đồng chấm thi đề nghị chấm chung. Về chấm thi, tách bạch người soạn thảo đề thi và người chấm thi; không có giáo viên THPT chuyên tham gia chấm thi. Việc chấm thi các môn thi được thực hiện tập trung tại Hội trường có camera giám sát 24h/24h, dữ liệu được lưu lại 12 tháng để cần thiết có thể xem lại toàn bộ quá trình chấm. Cán bộ công an và thanh tra giám sát liên tục quá trình chấm thi. Tổ trưởng chấm thi của mỗi môn điều hành chấm bài thi đảm bảo nguyên tắc chấm 2 vòng độc lập. Các tổ chấm thi thực hiện việc chấm chung ít nhất 20 bài có điểm cao nhất của mỗi ngày thi để đảm bảo độ chính xác, khách quan của kết quả chấm thi. “Trong 5 năm gần đây, không có khiếu kiện về kết quả thi chọn HSG quốc gia”, Cục này nhấn mạnh.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, hiện nay, Bộ đang triển khai nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của công tác thi chọn HSG để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn HSG cấp quốc gia, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020 theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới
Trước đó, Thanh tra Bộ GD-ÐT có kết luận thanh tra một số vấn đề liên quan Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ÐT), trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm trong tổ chức kỳ thi HSG từ năm 2015- 2017. Theo kết luận này, nhiều vấn đề sai phạm trong kỳ thi được chỉ ra như: Việc ra đề thi, chấm thi, ban hành các văn bản liên quan đến cuộc thi chưa đúng. Cụ thể, tại một số địa phương, người ra đề đề xuất và hội đồng ra đề thi nhưng lại tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho đội tuyển dự thi của các tỉnh, thành phố. Trong khi đó, số lượng đề đề xuất của một số môn dùng cho thi HSG khá ít nên dễ thiếu khách quan và có thể lộ đề. Danh sách người ra đề đề xuất không ghi ngày, tháng ban hành; người ký không quy định về độ mật, số lượng in, phạm vi lưu hành, hình thức sao chụp, nhân bản, không đánh số trang, không đóng dấu độ mật... Kết quả việc kiểm tra xác suất chấm lần một của 27 bài thi HSG năm 2017 cho thấy, giám khảo chưa chấm bài thi độc lập theo quy định, việc cộng điểm trên bài thi không đúng. Qua kiểm tra xác suất 4 bài thi có điểm thay đổi sau khi phúc khảo (2 bài môn Hóa học, 2 bài môn Sinh học) cho thấy, không có biên bản mở, kiểm tra túi bài thi theo quy định; biên bản tổ chấm ghi không đúng với thực tế của việc tăng điểm bài thi... |