- Thầy HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM):
Thiết lập giới hạn ứng xử rõ ràng
Hiện nay, các hình thức kỷ luật mang tính răn đe gần như không còn chỗ đứng, người thầy bị giới hạn trong khả năng giáo dục của mình. Chúng ta nói nhiều về “trường học hạnh phúc”, “giáo dục tích cực” nhưng thực tiễn ở ngôi trường có hàng ngàn học sinh cho thấy, nếu chỉ có bao dung mà thiếu đi giới hạn, có tình cảm mà thiếu đi nguyên tắc thì cái giá phải trả rất lớn. Nhiều học sinh vi phạm nội quy nhiều lần như trốn học, mang vật cấm vào trường, đánh bạn, hút thuốc, xúc phạm thầy cô... Nhà trường mời phụ huynh, làm công tác tư tưởng và tạo điều kiện cho học sinh sửa sai nhưng các em vẫn tái phạm. Khi thầy, cô đề xuất hình thức kỷ luật đủ mạnh như đình chỉ học có thời hạn thì lại vướng quy định “hạn chế tối đa kỷ luật nặng”, thế là đành nhắc nhở, lập biên bản, và rồi học sinh lại tái phạm.

Tôi tự hỏi, khi một học sinh liên tục vi phạm nhưng không nhận hình thức kỷ luật tương xứng, liệu các em có trưởng thành? Những học sinh ngoan, tuân thủ kỷ luật đang nghĩ gì khi thấy bạn mình vi phạm nhưng vẫn học chung lớp, chung trường như chưa hề xảy ra chuyện gì? Trường học ngoài hoạt động trên cơ sở của nguyên tắc còn cần xây dựng niềm tin. Nếu nguyên tắc bị xem nhẹ, niềm tin lung lay thì giáo dục từ chỗ nâng đỡ sẽ thành sự buông lỏng không mong muốn. Tôi không cổ vũ trừng phạt, nhưng tôi tin rằng kỷ luật nếu được thực hiện đúng mục đích, đúng phương pháp là một hình thức yêu thương sâu sắc. Kỷ luật giúp học sinh nhận ra giới hạn hành vi, học cách tự chịu trách nhiệm.
Ngành giáo dục cần khẩn trương rà soát quy định để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho người thầy được giáo dục học sinh bằng cả yêu thương và nghiêm túc. Đừng để các thầy, cô đơn độc trong việc giữ gìn kỷ cương học đường! Tôi mong cơ quan quản lý có cách tiếp cận hài hòa hơn trên cơ sở bảo vệ quyền lợi, tâm lý học sinh, nhưng cần thiết lập giới hạn ứng xử rõ ràng. Các hình thức kỷ luật có tính răn đe nếu được thiết kế với mục tiêu giáo dục chứ không nhằm làm tổn thương học sinh vẫn cần thiết trong một hệ thống giáo dục nghiêm túc.
- Cô NGUYỄN THU HÀ, Tổ trưởng Ngữ văn, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình, TPHCM):
Đa dạng hình thức xử phạt
Bộ GD-ĐT quan tâm đến các hình thức kỷ luật mang tính chất nhân văn hướng đến mục tiêu tốt đẹp là rèn giũa, uốn nắn học sinh trong quá trình hình thành nhân cách, phẩm chất. Những hình thức kỷ luật như nêu tên trước trường, trước lớp không còn phù hợp vì mang đến tác dụng tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến tâm lý phát triển của học sinh; nhưng, nếu chỉ tiếp cận vấn đề một chiều mà bỏ qua hết các hình thức kỷ luật mang tính răn đe sẽ khiến học sinh xem thường kỷ luật của nhà trường.
Trường học hiện nay là một xã hội thu nhỏ. Nội quy của nhà trường cũng giống như pháp luật trong xã hội. Nếu pháp luật không đi kèm các hình thức xử phạt phù hợp sẽ không còn tính thượng tôn pháp luật. Học sinh cần được răn dạy phải tuân thủ nội quy trường lớp, ý thức được hậu quả phải chịu khi phạm lỗi. Việc giảm nhẹ hình thức kỷ luật đối với học sinh không đồng nghĩa với việc nhà trường và giáo viên xử lý vi phạm nhẹ nhàng, qua loa cho xong chuyện. Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay của giáo dục là tình trạng bạo lực học đường đang ngày càng tăng cao với tính chất nghiêm trọng hơn. Đó là hệ quả của việc chỉ dạy tri thức mà không rèn luyện nghiêm khắc đạo đức cho học sinh. Trong nhiều trường hợp, do sợ bị phụ huynh kiện tụng, thiếu cơ sở pháp lý tự bảo vệ mình nên nhà trường chọn cách né tránh hoặc xử lý qua loa cho xong chuyện.
Học sinh được tự do trong khuôn khổ, tức tự do tìm tòi, khám phá, làm những việc mình thích nhưng trong những giới hạn và quy định cụ thể, rõ ràng. Tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, bất kể đúng sai. Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể và đa dạng hình thức kỷ luật học sinh mắc vi phạm, nghiên cứu hình thức kỷ luật thay thế cho hình thức đã bãi bỏ nhằm đạt được mục tiêu giáo dục cụ thể.
- Thầy CHÂU HIỀN ĐỨC, Tổ trưởng chuyên môn khối 4, Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3, TPHCM):
Phối hợp gia đình và nhà trường
Khen thưởng và động viên là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên hứng thú học tập, hình thành nhân cách và phát triển toàn diện học sinh. Lời khen ngợi đúng lúc, phần thưởng tuy nhỏ nhưng ý nghĩa có thể giúp học sinh cảm thấy được ghi nhận, nỗ lực hơn trong học tập cũng như rèn luyện phẩm chất đạo đức. Khen thưởng không chỉ dừng ở việc trao quà, giấy khen hay biểu dương trước lớp, mà còn thể hiện qua những lời nói tích cực, ánh mắt khích lệ hay sự công nhận của giáo viên trước một hành động tốt, một tiến bộ nhỏ, giúp học sinh cảm thấy tự tin, qua đó phát triển động lực nội tại.
Tuy nhiên, bên cạnh những học sinh có thành tích tốt, vẫn còn một bộ phận các em chưa hoàn thành tốt nội dung học tập, còn hạn chế trong rèn luyện phẩm chất. Với những học sinh này, điều cần thiết không phải là sự trách mắng, phê bình nặng nề, mà là sự quan tâm, đồng hành và hỗ trợ tích cực từ giáo viên, gia đình và nhà trường. Một trong những biện pháp hiệu quả là xây dựng kế hoạch cá nhân hóa việc học. Giáo viên cần nắm bắt rõ năng lực, điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh, từ đó thiết kế hoạt động giáo dục phù hợp, giúp các em tiếp cận kiến thức một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu và gần gũi. Ngoài ra, việc chia nhóm học tập, ghép đôi bạn giỏi - bạn yếu giúp các em học tập lẫn nhau, khơi gợi tinh thần đoàn kết và trách nhiệm tập thể. Song song với hỗ trợ học tập, việc rèn luyện phẩm chất cho học sinh cũng cần được chú trọng thông qua hoạt động ngoại khóa, trò chơi giáo dục, kể chuyện đạo đức, giả định tình huống… Qua đó, giúp học sinh học được cách cư xử đúng mực, biết yêu thương, sẻ chia và hình thành các phẩm chất tốt như trung thực, chăm chỉ, kỷ luật, tự tin.
Đặc biệt, phối hợp giữa gia đình và nhà trường là yếu tố then chốt. Phụ huynh cần thường xuyên liên lạc với giáo viên, theo dõi quá trình học tập và hành vi của con em mình để kịp thời động viên, điều chỉnh. Khi cả giáo viên và phụ huynh cùng chia sẻ mục tiêu giáo dục, học sinh sẽ được sống trong môi trường tích cực, đầy yêu thương và định hướng rõ ràng. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn, linh hoạt và sáng tạo.
Thông tư 08/TT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 21-3-1988 quy định các hình thức kỷ luật học sinh gồm: khiển trách trước lớp, trường; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học 1 tuần và đuổi học 1 năm. Năm 2020, Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học bỏ hình thức phê bình học sinh trước lớp, trường; đồng thời áp dụng mức kỷ luật cao nhất đối với học sinh là tạm dừng học tập có thời hạn từ 1-4 tuần.
Ngày 6-5-2025, Bộ GD-ĐT lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, thay thế Thông tư 08. Theo đó, nếu vi phạm Luật Giáo dục, nội quy của trường hoặc cơ quan chức năng, tùy mức độ vi phạm, học sinh tiểu học bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi. Học sinh cấp THCS, THPT bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm. Dự thảo Thông tư nêu rõ, mục đích của việc kỷ luật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm của học sinh; đồng thời giáo dục, giúp đỡ học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm, tự giác điều chỉnh hành vi, khắc phục hậu quả; tự giác tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ và hình thành thói quen, lối sống kỷ luật. Nguyên tắc kỷ luật là tôn trọng, bao dung, khách quan, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia và lợi ích của học sinh đối với các vấn đề liên quan; không sử dụng biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của học sinh.