Cục trưởng Cục điện ảnh Ngô Phương Lan: Phim Việt nhiều cơ hội ra nước ngoài

Trong xu thế mở cửa và hội nhập, phim Việt hiện nay có cơ hội nhiều hơn khi tham gia các LHP quốc tế, được phát hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam đã có những chia sẻ xung quanh chủ đề này.
Cục trưởng Cục điện ảnh Ngô Phương Lan: Phim Việt nhiều cơ hội ra nước ngoài

Trong xu thế mở cửa và hội nhập, phim Việt hiện nay có cơ hội nhiều hơn khi tham gia các LHP quốc tế, được phát hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam đã có những chia sẻ xung quanh chủ đề này.

Cục trưởng Cục điện ảnh Ngô Phương Lan: Phim Việt nhiều cơ hội ra nước ngoài ảnh 1

Đoàn phim Đập cánh giữa không trung trên thảm đỏ LHP Venice.

- Phóng viên: Bà nhận định như thế nào về cơ hội cũng như thách thức đối với phim Việt khi tham dự các LHP quốc tế, các tuần lễ điện ảnh tại nước ngoài?

>> TS NGÔ PHƯƠNG LAN: Phim Việt Nam ra nước ngoài từng đạt được không ít thành công. Có hai hoạt động chính là tuần phim (hoặc chương trình phim đặc biệt, chọn lọc… trong khuôn khổ một LHP) và dự thi tại các LHP. Trên thế giới có hàng trăm LHP nên cơ hội ra nước ngoài của phim Việt Nam nói riêng và một bộ phim của bất cứ nước nào nói chung là rất lớn. Tuy nhiên, thành công hay không còn tùy thuộc có “duyên” hay không. Đương nhiên một bộ phim được giải không thể là một bộ phim kém, nhưng nếu không đúng “gu” của LHP, của Ban giám khảo thì khó thành công. Phim Việt Nam ra nước ngoài cũng gặp khó khăn vì hai dòng phim phổ biến ở trong nước bây giờ là phim đặt hàng của nhà nước và phim thương mại chiếu rạp đều không nhằm mục tiêu để qua các vòng tuyển chọn LHP quốc tế. Cái khó nữa là chất lượng kỹ thuật, chất lượng phụ đề cũng thường gây cản trở phim của chúng ta.

- Bà đánh giá như thế nào về thành công mới nhất của bộ phim Đập cánh giữa không trung, dù giải thưởng này chỉ là một hoạt động bên lề LHP Venice?

Phim của Hoàng Điệp là thành công lớn nhất đối với một đạo diễn nữ Việt Nam làm phim đầu tay. Tôi cho rằng giải này xứng đáng vì đây là một bộ phim có tay nghề và có cảm xúc - điều rất cần cho việc đánh giá tài năng của một đạo diễn. Điệp có đến gặp tôi và tôi cũng đã góp ý rất thẳng với em ấy về phim: Đâu là cái đặc sắc, đâu là cái vay mượn hoặc lặp lại và vay mượn từ đâu. Tôi cũng động viên Điệp nghĩ tiếp một bộ phim thể hiện được bản lĩnh, bản sắc văn hóa Việt Nam, nhân văn và trong sáng. Những phim như vậy sẽ đáp ứng được tiêu chí tài trợ của nhà nước. Điệp cũng rất muốn thay đổi phong cách để có nét hoàn toàn riêng, nhưng cần thêm 2 năm nữa. Tôi nghĩ Điệp còn tiến xa vì cô ấy có tài, lại biết điểm mạnh điểm yếu của mình và say mê tận cùng với nghề.

- Hiện nay có khá nhiều phim Việt Nam thông qua các nhà phát hành trong nước, nước ngoài được trình chiếu tại nhiều quốc gia trên thế giới, bà có thể chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này?

Đây là điều rất đáng khuyến khích.

- Về phía Cục Điện ảnh có những phương án nào hỗ trợ trong việc quảng bá phim Việt tại nước ngoài, đưa các phim Việt tham dự các LHP lớn?

Chỉ riêng trong năm 2014, Cục Điện ảnh đã phối hợp với các tổ chức và đối tác nước ngoài tổ chức thành công LHP Việt Nam lần thứ nhất tại Hàn Quốc (tháng 4-2014); Tuần phim Việt Nam trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Việt Nam” tại Nga; LHP Việt Nam lần thứ nhất tại Saint Malo, Pháp. Mỗi chương trình phim tại Hàn Quốc và Nga trình chiếu 5 - 6 phim truyện mới của Việt Nam, trong đó có cả phim nhà nước và phim tư nhân. Riêng LHP tại Pháp chiếu gần 30 phim truyện, phim tài liệu và phim hoạt hình chọn lọc theo các chủ đề khác nhau và có tổ chức chấm giải thưởng với một ban giám khảo là những đạo diễn, nghệ sĩ nổi tiếng của Pháp. Cả 3 sự kiện này đều rất thành công, bởi vậy, LHP Việt Nam tại Hàn Quốc và Tuần phim tại Nga sẽ tiếp tục tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, còn LHP Việt Nam tại Pháp sẽ được tổ chức thường niên. Như vậy, ngoài việc đến các LHP quốc tế thì phim Việt Nam được khán giả nước ngoài quan tâm ngày càng nhiều hơn qua các sự kiện nêu trên và các nhà làm phim cũng có thêm động lực để sáng tạo.

- Hướng đi trong tương lai gần và xa mà cục hỗ trợ các nhà sản xuất phim trong nước là gì?

Đối với các dự án phim của các hãng phim tư nhân, phim độc lập, tôi khẳng định rằng họ đều có cơ hội nhận được sự hỗ trợ, thậm chí đặt hàng của nhà nước. Cuối năm 2013, có 1 phim của hãng phim tư nhân được nhà nước đặt hàng, hiện sắp hoàn thành. Năm 2014 đã có 1 dự án của hãng phim tư nhân khác được đặt hàng từ ngân sách nhà nước, đang chuẩn bị quay. Nhưng cần nhắc lại là các dự án được tài trợ hay đặt hàng phải đáp ứng đúng yêu cầu, tiêu chí của nhà nước.

Như tôi vừa nói, Cục Điện ảnh luôn “đốt đuốc” tìm các kịch bản hay, khắc họa được được bản lĩnh, bản sắc văn hóa Việt Nam, mang tính nhân văn nên chắc chắn hội đồng không bao giờ bỏ qua một kịch bản như vậy! Tuy nhiên, các nhà biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất tư nhân, độc lập hay thuộc hãng phim nhà nước đều biết là ở đâu cũng có luật, có quy định. Anh đi xin tiền nước ngoài cũng phải đáp ứng theo rất nhiều yêu cầu của họ và mất nhiều ba năm cơ mà. Vì vậy cớ sao một vài người cứ nóng vội, trách móc, thậm chí bức xúc? Nhân đây tôi nhắc lại là gần đây, các phim Mùa len trâu, Chơi vơi... được nhiều người gọi là phim độc lập là không đúng đâu. Đó là phim tài trợ của nhà nước, trên cơ sở ngân sách đã có, đạo diễn và hãng phim mới xin thêm tài trợ của nước ngoài.

Cục Điện ảnh mỗi năm đều có 3 - 4 đợt mời gọi các nhà sáng tác, nhà làm phim, các hãng phim gửi kịch bản để tuyển chọn. Tôi hy vọng trong thời gian rất gần, sẽ có 1 - 2 kịch bản hay và đúng tiêu chí của nhà làm phim độc lập được đặt hàng để phim của họ sẽ vươn xa hơn nữa.

VĂN TUẤN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục