Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương: Trích ngân sách nhà nước cấp thẻ hành nghề

Bên lề hội nghị trực tuyến tại ba điểm cầu Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng tổng kết công tác hoạt động năm 2013, triển khai kế hoạch năm 2014 do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 10-1, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương đã chia sẻ với báo giới về những chế độ đãi ngộ cho nghệ sĩ. * PV:
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương: Trích ngân sách nhà nước cấp thẻ hành nghề

Bên lề hội nghị trực tuyến tại ba điểm cầu Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng tổng kết công tác hoạt động năm 2013, triển khai kế hoạch năm 2014 do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 10-1, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương đã chia sẻ với báo giới về những chế độ đãi ngộ cho nghệ sĩ.

* PV:
Vướng mắc trong việc xây dựng chế độ chính sách cho nghệ sĩ đã tồn tại nhiều năm, vấn đề này liệu có tìm được hướng giải quyết triệt để trong năm nay?

* Ông NGUYỄN ĐĂNG CHƯƠNG: Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện quyết liệt việc xây dựng đề án để giải quyết bốn vấn đề nổi cộm trong việc này. Về chế độ nghỉ hưu sớm cho các nghệ sĩ chưa đến tuổi nghỉ chế độ nhưng không có khả năng làm nghề. Việc làm này không chỉ ghi nhận đóng góp của các nghệ sĩ mà còn tạo điều kiện cho lớp trẻ có cơ hội vào biên chế, yên tâm hành nghề.

Với chế độ bồi dưỡng luyện tập, bao nhiêu năm nay việc duy trì bồi dưỡng nghệ sĩ luyện tập ở mức 10.000 đến 30.000 đồng/người/buổi không khuyến khích được nghệ sĩ dồn tâm huyết, sức lực trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Về chuyện xét nâng ngạch bậc của các nghệ sĩ, theo quy định của Bộ Nội vụ là phải thi nhưng lĩnh vực hoạt động nghệ thuật lại có những đặc thù cực kỳ khó khăn.

Ví dụ như thi về chuyên môn thì không thể tập hợp tất cả các nghệ sĩ về đây, nào là tuồng, chèo, múa, xiếc… để có hội đồng chấm chung được. Vì thế, kể từ khi có chế độ lương mới đến nay, chưa tổ chức thi nâng lương được lần nào cho các nghệ sĩ.

Cuối cùng là việc xếp ngạch bậc lương cho các nghệ sĩ cũng giống như những ngành nghề khác là chưa phù hợp. Như NSND Lê Khanh chẳng hạn, 16 năm nay chị vẫn đang dậm chân tại chỗ khi hưởng phụ cấp lương vượt cấp 0,01%/năm và lương vẫn kịch bậc như vậy. Do đó, chúng tôi vẫn quyết liệt xây dựng đề án xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo các bộ, ban ngành liên quan phê duyệt để có thể đi vào triển khai trong năm 2014.

Khi chúng ta giải quyết được bốn vấn đề này thì sẽ tạo động lực cho các nghệ sĩ dồn tâm huyết cho sáng tạo nghệ thuật để có những tác phẩm đỉnh cao.

NSƯT Thanh Nam (phải) và Phương Bình trong chương trình Bác Ba Phì thời @. Ảnh: Đỗ Hạnh

NSƯT Thanh Nam (phải) và Phương Bình trong chương trình Bác Ba Phì thời @. Ảnh: Đỗ Hạnh

* Thưa ông, đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ đã được ký ban hành nhưng nhiều ý kiến vẫn lo ngại liệu việc này có gây khó khăn cho các nghệ sĩ?

* Đề án tạo sự thông thoáng tối đa trong việc triển khai cấp thẻ hành nghề. Nói cách khác việc cấp thẻ hành nghề sẽ không có hiện tượng tiêu cực, không phải cơ chế xin cho, không phải phong bì, phong bao…

Đối với các nghệ sĩ có danh hiệu, các nghệ sĩ nằm trong các đoàn nghệ thuật thì các sở VH-TT-DL chỉ cần gửi lý lịch trích ngang và ảnh, không phải làm đơn, không sát hạch. Chúng tôi xác định thẻ hành nghề là chứng minh thư trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, để cho anh hành nghề chứ không phải giấy chứng nhận trình độ của các nghệ sĩ. Đối với các nghệ sĩ tốt nghiệp trong các trường nghệ thuật, được cấp bằng, thì đó là giấy chứng nhận việc có thể hành nghề nên việc cấp thẻ đơn giản, gọn nhẹ. Nếu quá trình thực hiện đề án có những điều chưa phù hợp thì chúng tôi sẽ tiếp thu, điều chỉnh tạo điều kiện cho các nghệ sĩ được hoạt động nghệ thuật đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm của họ trước công chúng.

* Việc không nắm được cụ thể trên địa bàn có bao nhiêu nghệ sĩ hoạt động có ảnh hưởng tới việc cấp thẻ?

* Đây là quyền lợi gắn liền với trách nhiệm của các nghệ sĩ. Nếu không có thẻ thì họ sẽ không được làm nghề vì thế vì quyền lợi của chính mình, buộc họ phải thực hiện nghiêm túc. Thực tế, 63 sở VH-TT-DL cả nước không có đơn vị nào nắm được cụ thể có bao nhiêu nghệ sĩ hoạt động trên địa bàn của mình, vì thế thẻ hành nghề sẽ giúp họ thống kê, định lượng một cách cụ thể, đồng thời cũng nắm bắt lý lịch, nhân thân của mỗi nghệ sĩ một cách rõ ràng, giải quyết những bất cập trong quản lý của ngành trong nhiều năm qua.

* Vậy chi phí cấp thẻ mà các nghệ sĩ sẽ phải nộp là bao nhiêu?

* Theo dự trù thì chi phí cho việc cấp thẻ là không lớn, vì thế bộ đã thống nhất sẽ trích từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương cho đến địa phương. Làm như vậy để đề án có thể triển khai nhanh, hiệu quả, tạo điều kiện đồng thời nâng cao ý thức chấp hành của các nghệ sĩ.

* Với những trường hợp nghệ sĩ nhí như Phương Mỹ Chi, Quang Anh, chưa đủ 15 tuổi và chưa thuộc đối tượng cấp phép thì liệu họ có được tiếp tục biểu diễn?

* Với những trường hợp này, đơn vị tổ chức biểu diễn các chương trình có các nghệ sĩ nhí sẽ buộc phải có giấy bảo lãnh của cha mẹ các em và họ phải nộp giấy tờ này trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn.

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục