Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL: Chờ xác định danh nhân mới thực thi

Xung quanh việc Bộ VH-TT-DL ra Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL về việc Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc gây xôn xao dư luận, PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn bà Ninh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL, đơn vị soạn thảo thông tư này.

Xung quanh việc Bộ VH-TT-DL ra Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL về việc Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc gây xôn xao dư luận, PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn bà Ninh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL, đơn vị soạn thảo thông tư này.

- Phóng viên: Dư luận, đặc biệt là các doanh nghiệp, đang phản ứng rất mạnh về thông tư hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp do Bộ VH-TT-DL ban hành. Họ cho biết rất lúng túng với thông tư vì không hiểu ai là danh nhân để tránh đặt tên trùng?

>> Bà NINH THỊ THU HƯƠNG: Việc không được dùng tên danh nhân để đặt tên cho doanh nghiệp đã được quy định tại Nghị định số 43 của Chính phủ ban hành vào ngày 15-4-2010. Thông tư chỉ thực hiện theo đúng nghị định quy định thôi. Ai là danh nhân và thế nào được gọi là danh nhân không phải là phạm trù điều chỉnh của thông tư và cũng không thuộc thẩm quyền của Bộ VH-TT-DL vì đây là vấn đề rất lớn của đất nước. Đến giờ phút này, ai là danh nhân cũng chưa được xác định nên thông tư này không thể áp dụng khi chưa xác định được đối tượng nào là danh nhân. Vì thế doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

- Thông tư này ghi rõ có hiệu lực từ 25-11, những doanh nghiệp đặt tên từ trước thì không hồi tố, nhưng sau thời điểm 25-11 thì sao, thưa bà?

Tôi nhắc lại, phải xác định thế nào là danh nhân mới áp dụng được thông tư, chưa xác định được thì chưa thể áp thông tư. Khi xác định ông A, B, C, D là danh nhân thì sẽ áp thông tư này vào. Khi cấp phép, cũng phải căn cứ vào quy định thế nào là danh nhân, ai là danh nhân, vì thế khi chưa có thì chưa thể áp dụng thông tư này được. Không thể ai tự nghĩ ra ông nọ, ông kia là danh nhân để cấm.

- Chưa có danh sách ai là danh nhân, tại sao Bộ VH-TT-DL vẫn ban hành thông tư này, điều đó có đồng nghĩa với việc tính khả thi của thông tư không cao?

Không phải là tính khả thi không cao mà chúng tôi bắt buộc phải làm để đón. Thông tư ra rồi nhưng vẫn phải đợi khi nào xác định được danh nhân thì mới thực hiện. Nội dung của thông tư cũng giống hệt Nghị định 43 của Chính phủ, thế nên doanh nghiệp thắc mắc về thông tư thì cũng như thắc mắc nghị định của Chính phủ.

- Các doanh nghiệp cho biết, những quy định của thông tư rất mông lung, như làm sao để xác định ai là “các nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ”, thế nào là “vi phạm thuần phong mỹ tục”?

Thực ra phạm vi mông lung mơ hồ luôn gắn liền với các nội dung của chúng tôi quản lý. Cứ “thuần phong mỹ tục” mà định lượng thì muôn đời không định lượng được.

- Góp ý dự thảo thông tư của Bộ Tư pháp cũng đã nêu ý kiến: “Trong lịch sử đất nước nhiều lần bị xâm lược nhưng không có nghĩa tên đất nước trong thời kỳ đó là xấu xa”. Tại sao Bộ VH-TT-DL không tiếp thu góp ý này của Bộ Tư pháp?

Tên địa danh gợi quá khứ, đất nước xâm phạm về chủ quyền thì hạn chế đặt, không cho đặt, còn ví dụ như tên địa danh Sài Gòn, trước đây cũng như bây giờ không ảnh hưởng gì tới hiện tại của đất nước thì vẫn cho đặt. Trong thông tư ghi rõ, tên địa danh gợi đến quá khứ thì mới hạn chế. Ví dụ như Bia Sài Gòn thì chẳng có vấn đề gì. Thực ra doanh nghiệp chưa hiểu thông tư và cứ nghĩ rằng khi thông tư có hiệu lực là cấm luôn mà không biết rằng từ trước đó năm 2010 việc cấm này đã được quy định trong nghị định. Ý kiến của Bộ Tư pháp không phải ý kiến nào cũng được chúng tôi tiếp thu.

Ngoài các bộ ban ngành, chúng tôi còn lấy ý kiến 63 tỉnh TP, ý kiến UBND và các Sở KH-ĐT, nơi cấp phép các doanh nghiệp, họ đều có ý kiến đề nghị là phải có quy định này nên cuối cùng chúng tôi đã đưa vào. Cơ quan chủ trì phải tổng hợp các ý kiến, phải quyết mọi vấn đề vì thế nhiều khi cơ quan chủ trì lắng nghe phía đa số chứ không phải ý kiến thiểu số.

- Vậy bao giờ sẽ có danh sách danh nhân đi kèm theo thông tư này để hướng dẫn doanh nghiệp cụ thể hơn?

Phạm vi của thông tư không thể nào điều chỉnh và đưa danh sách của danh nhân vì Nghị định 43 chỉ yêu cầu phân cấp thẩm quyền của Bộ VH-TT-DL là ban hành thông tư như đã có, còn việc xác định danh nhân không thuộc thẩm quyền và đang mắc mớ ở nhiều vấn đề. Bản thân tôi cũng không trả lời được vì sao không khả thi việc xác định ai là danh nhân.

Trước đây, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ VH-TT-DL làm nghị định quy định về tên danh nhân nhưng khi làm thì vướng, chưa thể làm được. Chúng tôi thực sự không muốn ban hành thông tư nhưng luôn bị công văn từ trên buộc phải ban hành. Đến nay, chưa có văn bản nào công nhận ai danh nhân mà chỉ là do mọi người tự nói ra nên không có gì bó buộc với các doanh nghiệp trong việc đặt tên cả.

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục