(SGGP).- Đó là kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (VSDTTƯ) về về virus cúm A/H5N1, trước tình trạng số người mắc và tử vong do chủng cúm này liên tiếp được ghi nhận trong cả nước từ đầu năm tới nay.
PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện VSDTTƯ cho biết, sự biến đổi kháng nguyên và di truyền là đặc tính cơ bản của các chủng virus cúm. Đối với virus cúm A/H5N1 ở Việt Nam qua những nghiên cứu cho thấy, đã có sự thay thế virus cúm A/H5N1 phân nhóm 1 bằng phân nhóm 2, 3, 4. Còn trong số 15 phân tuýp cúm thì virus cúm A/H5N1 có tính biến dị nhanh, có chứa các gene của các virus từ các động vật khác nhau.
Tuy nhiên sự biến đổi kháng nguyên cho đến nay là những biến đổi nhỏ, chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền từ người sang người của virus, nhưng vẫn là chủng virus cúm có độc lực cao, gây nguy cơ tử vong lớn. Tổ chức Y tế thế giới cũng cho biết, trong thời gian từ tháng 9-2009 cho tới tháng 2-2010, virus H5N1 đã có sự thay đổi nhỏ về tính di truyền và tính kháng nguyên. Virus H5N1 vẫn được tiếp tục phát hiện tại châu Phi, châu Á và Trung Cận Đông.
Dự báo của Cục Y tế dự phòng và Môi trường, trước tình trạng dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục bùng phát tại một số địa phương thì trong thời gian tới, nguy cơ số người mắc và tử vong do cúm A/H5N1 tăng mạnh là điều khó tránh khỏi.
PGS-TS Nguyễn Trần Hiển cho rằng, ngoài việc thường xuyên giám sát chặt chẽ sự biến đổi của virus, thì bản thân mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Trong đó, phải thực hiện nghiêm việc không buôn bán, vận chuyển, giết mổ và sử dụng gia cầm, thủy cầm ốm chết, không rõ nguồn gốc.
Thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2010, cả nước đã có 5 người mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 ca tử vong. Còn tính từ tháng 12-2003 tới nay, Việt Nam đã có 60 người chết vì cúm A/H5N1
TRUNG KIÊN