Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Campuchia và nhiều nước khác… đã bùng phát trở lại cúm gia cầm. Đặc biệt, tại Trung Quốc, cúm gia cầm còn lây lan ở người từ đầu năm 2017 đến nay làm gần 80 người chết. Nỗi ám ảnh một thời về dịch cúm này đang quay trở lại.
Từ Á…
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở Trung Quốc, tính đến ngày 16-1, tổng số người chết do virus H7N9 là 359 người và 918 người nhiễm. Mặc dù tỷ lệ tử vong cao, virus H7N9 lại ít được chú ý so với 2 chủng mới khác là virus H5N8 và virus H5N6 cũng đã lây lan nhanh chóng buộc cơ quan chức năng tiêu hủy hàng triệu gia cầm. Cho đến nay virus H5N8 đã dường như không lây nhiễm sang người; virus H5N6 làm 14 người nhiễm và 6 ca tử vong ở Trung Quốc.
Tất cả các trường hợp nhiễm virus H7N9 ở người tại Trung Quốc do tiếp xúc trực tiếp với virus, chủ yếu tại các chợ gia cầm sống. Các nghiên cứu cho thấy virus H7N9 dễ dàng lây nhiễm ở động vật có vú hơn virus H5N1. Điều đáng ngại là virus H7N9 gây bệnh nặng ở người nhưng chỉ nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng ở gia cầm. Theo báo chí Trung Quốc, sự gia tăng các ca nhiễm virus cúm gia cầm ở người là đáng báo động. Ông Guan Yi, chuyên gia về virus tại Đại học Hongkong lo lắng: “Chúng tôi đang phải đối mặt với mối đe dọa đại dịch lớn nhất trong vòng 100 năm qua”.
Kiểm tra gia cầm tại một trang trại ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
Nếu như Trung Quốc bị virus cúm gia cầm H5N9 hoành hành thì Campuchia bùng nổ virus cúm gia cầm H5N1 ở khu vực Đông Nam của nước này. Virus này được tìm thấy ở hàng trăm con gà trong khu vực Svay Rieng.
Tại Đài Loan, chính quyền thành phố Đài Bắc ngày 17-2 cho biết họ đã phát hiện cúm gia cầm tại chợ bán buôn gia cầm của thành phố này. Gia cầm bị bệnh xuất phát từ trang trại ở thành phố Cao Hùng, phía Nam Đài Loan. Các kết quả xét nghiệm cho thấy nhiều con gà đã bị nhiễm virus H5N2 độc lực cao nhưng loại virus này chưa lây sang người. Mặc dù vậy, dịch cúm gia cầm H5N6 độc lực cao tại Đài Loan cũng khiến chính quyền cảnh giác bởi vì virus này cũng rất dễ lây lan và lây sang người. Kể từ ngày 6-2, 9 trang trại ở Đài Loan đã được xác nhận là đã bị nhiễm virus H5N6 và đã có hơn 130.000 gia cầm bị tiêu hủy từ đầu năm đến ngày 16-2.
… sang Âu, châu Phi và Trung Đông
Tại 24 nước châu Âu, dịch cúm gia cầm H5N8 ảnh hưởng đến người chăn nuôi gia cầm từ tháng 1 đến nay, nặng nhất là tại các nước Anh, Pháp và Đức. Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết dịch cúm H5N8 tại Pháp từ tháng 12-2016 đến nay đã có tổng cộng 17.335 gia cầm bị tiêu hủy và 685 gia cầm khác chết vì virus H5N8. Trong tháng 1, Pháp đã tiêu hủy 800.000 con vịt. Hà Lan đã báo cáo hai ổ dịch virus H5N8 ở gà đẻ và vịt vỗ béo. Khoảng 1.000 con vịt chết tại một trang trại ở Kamperveen và 12.989 con khác bị tiêu hủy. Trong khi đó, 28.481 con gà mái cũng đã bị tiêu hủy tại một trang trại ở Hiaure.
Tại Anh, nhà chức trách đã tiêu hủy hơn 23.000 con gà tại một trang trại ở Suffolk trong ngày 15-2 trong đợt cúm H5N8 lần thứ bảy tại Vương quốc Anh. Các quan chức cho biết một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định nguồn gốc của đợt dịch này. Cơ quan Y tế công cộng Anh cho biết nguy cơ đối với sức khỏe con người do virus H5N8 gây ra là rất thấp và Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm Anh cho biết virus H5N8 không gây ra rủi ro cho an toàn thực phẩm với người tiêu dùng.
Đức đã tiêu hủy 776.000 con gà, gà tây, vịt và các loại gia cầm khác tại các trang trại kể từ tháng 11-2016 để phòng dịch cúm gia cầm, Bộ Nông nghiệp Đức trung tuần tháng 2 cho biết.
Ngoài châu Âu, các nước tại châu Phi như Nigeria, Tunisia và Trung Đông như Israel cũng có dịch cúm gia cầm H5N8.
HUY QUỐC (tổng hợp)