
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 12% và tổng mức đầu tư xã hội là 434.500 tỷ đồng trong 5 năm 2006-2010, tạo việc làm mới cho 100 ngàn lao động/năm, Đại hội Đảng bộ TPHCM lần VIII đã nhấn mạnh đến giải pháp đầu tư phát triển nguồn nhân lực có hàm lượng chất xám, có trình độ tay nghề, kỹ thuật, chuyên môn cao thích ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường sức lao động.
Độ vênh giữa đào tạo và sử dụng còn quá lớn
“So với cả nước, thị trường lao động TPHCM luôn là điểm nóng thu hút lao động, tạo nhiều cơ hội làm việc, thu nhập, thăng tiến nghề nghiệp. Thế nhưng, đứng trước yêu cầu hội nhập quốc tế, thị trường sức lao động của TPHCM đang bộc lộ nhiều hạn chế như cơ cấu lao động chậm đổi mới, chất lượng lao động và năng suất lao động chưa cao dẫn đến sản phẩm làm ra có hàm lượng công nghệ thấp, tính cạnh tranh yếu…” - Đó là nhận định của bà Đinh Kim Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH TPHCM.

Thị trường lao động cần tuyển lao động có chất lượng cao nhưng các cơ sở dạy nghề không đáp ứng.
Bà Hoàng tỏ ra lo ngại: “Thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới đòi hỏi nguồn vốn nhân lực phải thích ứng nhanh về trình độ công nghệ, trình độ tay nghề, kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp thành thục thì chất lượng giải quyết việc làm, cung ứng lao động ở TPHCM lại bộc lộ nhiều hạn chế. Điều đáng lo ngại nhất là chất lượng lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện rất thấp. Trình độ công nghệ, tay nghề, kỹ thuật ở khu vực này chậm đổi mới là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp, việc làm thiếu ổn định và thu nhập không cao”.
Thời gian vừa qua, chỗ làm việc mới được tạo ra chủ yếu ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất-khu công nghiệp, trong đó những ngành nghề thu hút nhiều lao động vẫn là may mặc, giày da, lao động phổ thông, tay nghề thấp. Còn chỗ làm việc ổn định, đòi hỏi trình độ kỹ thuật, tay nghề chuyên môn và có thu nhập cao vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Một nghịch lý nan giải khác khiến các nhà quản lý lao động đau đầu là số người thất nghiệp ở TPHCM, nhất là khu vực ngoại thành chiếm tỷ lệ khá cao nhưng họ không có nhu cầu tìm việc hoặc kén chọn việc làm nhẹ nhàng, có thu nhập cao.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, TPHCM đang khuyến khích đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước. Thế nhưng, trước “cơn sốt” thiếu hụt nguồn lao động đã qua đào tạo nghề và lao động phổ thông, nhiều nhà đầu tư nước ngoài và hàng ngàn doanh nghiệp mới ra đời lâm vào tình trạng chung “khóc dở mếu dở” vì không biết tìm ở đâu nguồn vốn nhân lực đạt chuẩn. Thực tế này cho thấy thị trường sức lao động ở TPHCM vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu ổn định, cung cầu về lao động còn khập khễnh.
Dự báo chuẩn xác về cung - cầu lao động
Nhận thấy rõ những hạn chế của nguồn “tài nguyên nhân lực” trước xu thế hội nhập với nền kinh tế thế giới, TPHCM đã đề ra những sách lược phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động. Nhìn tổng thể hoạt động đào tạo-dạy nghề ở TPHCM có nhiều đổi mới và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề hàng năm đã tăng lên 22% (cao nhất so với cả nước).
Thế nhưng, so với yêu cầu đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa làm ra của các doanh nghiệp thì việc cung ứng lao động từ các lò đào tạo còn có độ vênh khá lớn. Chỉ có khoảng 30% sinh viên, học sinh tìm được việc làm phù hợp và có đến 50% có việc làm chưa phù hợp, thiếu ổn định và thu nhập chưa cao.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, ngoài nguyên nhân đào tạo chưa sát thực tế, việc thiếu kênh thông tin chuẩn xác cũng như định hướng về nhu cầu tuyển dụng- tìm việc, tìm người, những ngành nghề “nóng” thu hút nhiều lao động… cũng khiến cho thị trường sức lao động ở TPHCM phát triển thiếu ổn định.
Để cân đối giữa cung và cầu về lao động, đòi hỏi TP phải có nhiều giải pháp hỗ trợ như phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh, sinh viên, đầu tư phát triển hệ thống dạy nghề gắn với yêu cầu sử dụng lao động của xã hội. Để tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới, ổn định, TP phải tiến hành quy hoạch, đầu tư cho hệ thống đào tạo nghề chất lượng cao nhằm cung ứng nguồn nhân lực đạt chuẩn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, cần có chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng quy mô và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để thu hút thêm nhiều lao động vào làm việc và giữ chân họ lâu dài. Vấn đề cốt lõi của chương trình giải quyết việc làm ở TPHCM trong những năm tới là tạo nhiều chỗ làm việc mới phù hợp với cơ cấu chuyển đổi lao động, nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động. Nếu đầu tư và phát triển nguồn nhân lực không sát với yêu cầu tăng trưởng kinh tế và xu thế hội nhập quốc tế thì chúng ta sẽ tụt hậu trên thương trường và trả cái giá rất đắt.
KHÁNH BÌNH