Ngày 15-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 2 ngày. Chặng dừng chân đầu tiên của ông Putin là khu nghỉ dưỡng Nagato, tỉnh Yamaguchi, miền Tây Nhật Bản. Tại đây, người đứng đầu nước Nga có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đây là cuộc gặp song phương lần thứ tư giữa hai nhà lãnh đạo Nhật - Nga trong năm nay và Thủ tướng Abe hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh lần này sẽ thúc đẩy sự tiến triển trong quan hệ hợp tác giữa hai bên. Ông Putin là Tổng thống Nga đầu tiên thăm chính thức Nhật Bản trong 11 năm qua. Chuyến thăm lẽ ra được thực hiện trong năm 2014 nhưng đã nhiều lần bị hoãn do các mối quan hệ giữa Nga với Nhóm các nền kinh tế phát triển G7 mà Nhật Bản là một thành viên trở nên xấu đi sau sự kiện sáp nhập Crimea vào Nga.
Chuyến thăm của Tổng thống Putin diễn ra vài tháng sau khi Thủ tướng Nhật Bản Abe tới Sochi (Nga) hồi tháng 5 năm nay. Trong chuyến thăm, ông Abe đã đề xuất kế hoạch tăng cường hợp tác kinh tế trong 8 lĩnh vực chủ chốt. Ông Abe hy vọng kế hoạch này, vốn tập trung vào việc phát triển vùng Viễn Đông của Nga và lĩnh vực năng lượng, sẽ góp phần thúc đẩy các cuộc đàm phán về lãnh thổ. Tại cuộc gặp ở Nagato, hai nhà lãnh đạo tập trung thảo luận về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga, còn Nhật Bản gọi là lãnh thổ phương Bắc, vốn đã cản trở hai bên ký hiệp ước hòa bình sau chiến tranh thế giới thứ hai. Hai bên bàn về khả năng tiến hành các hoạt động khai thác kinh tế chung trên những đảo tranh chấp theo hệ thống đặc biệt của hai nước, cùng vấn đề hiệp ước hòa bình. Trả lời sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Abe cho biết, ông đã có cuộc thảo luận thẳng thắn với Tổng thống Nga về vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Kết quả hội đàm sẽ được công bố tại cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo trong ngày 16-12. Theo giới quan sát, nếu Nga - Nhật đạt được thỏa thuận về khai thác kinh tế chung trên những đảo tranh chấp thì đây sẽ là một trong những bước đột phá lớn trong quan hệ hai bên.
Nội dung trong ngày làm việc tiếp theo tại Tokyo giữa hai nhà lãnh đạo Nhật - Nga sẽ tập trung vào vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Trước khả năng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gặp bế tắc, Nhật Bản phải tính đến kế hoạch mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với những đối tác tiềm năng, trong đó có Nga, để duy trì chỉ số tăng trưởng. Về phía Nga, kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn do giá dầu mỏ giảm cùng hàng loạt lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây sau sự kiện Crimea. Vùng Viễn Đông và Siberia của Nga vẫn đang khát vốn đầu tư.
Tokyo đã phớt lờ đồng minh Washington khi đón tiếp ông Putin tại Nhật. Theo Mỹ, cuộc gặp tại Tokyo sẽ gửi thông điệp sai lầm rằng, nhóm G7 thiếu sự đoàn kết trong các quyết sách với Nga sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea. Đáp lại Mỹ, phía Nhật Bản nhấn mạnh việc tuân thủ nguyên tắc là một thành viên của G7 nhưng cũng sẽ theo đuổi lợi ích quốc gia của riêng mình. Ngoài lợi ích kinh tế, vấn đề chủ quyền lãnh thổ, chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với Nga xuất phát từ lo ngại về sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc và khả năng hình thành liên minh Nga - Trung sau khi các nước phương Tây tiến hành trừng phạt Nga vào năm 2014.
THANH HẰNG