Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới New Zealand, Australia và Papua New Guinea vừa kết thúc đúng với mục tiêu đã định của Chính phủ Nhật Bản. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Abe chọn các nước ở Nam Thái Bình Dương. Chuyến thăm của ông Abe diễn ra trong bối cảnh tình hình Đông Á đang ngày càng trở nên căng thẳng và bất an do các hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Về quan hệ Nhật Bản - Australia, từ những ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã mô tả Nhật Bản là “người bạn thân nhất ở châu Á” của Australia khi ông phát biểu tại Đại hội đồng LHQ vào tháng 9-2013. Australia cũng đã đứng về phía Nhật Bản phản đối việc Trung Quốc thành lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, muốn duy trì trật tự trong khu vực như 40 năm qua. Nhưng trước sự trỗi dậy gây lo ngại của Trung Quốc, Australia nhận thấy cần thiết phải ủng hộ vai trò đồng minh của Nhật Bản và Mỹ để duy trì trật tự đó.
Kết quả chuyến đi của Thủ tướng Abe tới Australia vì vậy không có gì khó hiểu khi hai nước ký kết Hiệp định thương mại tự do và tăng cường hợp tác quốc phòng. Cần nhấn mạnh rằng trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe đến Australia, hai bên đều khẳng định rằng họ không lập liên minh chống lại bất cứ nước nào mà chỉ muốn hợp tác cùng đảm bảo an ninh và hòa bình trong khu vực.
Trước khi tới Australia, trong chuyến thăm chỉ một ngày tới New Zealand, Thủ tướng Shinzo Abe đã được người đồng cấp New Zealand John Key ủng hộ quyết định của nội các Nhật Bản diễn giải lại hiến pháp cho phép nâng cao vai trò của lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Thông cáo báo chí của Chính phủ New Zealand cho biết hai chính phủ sẽ xem xét “bước phát triển các mối quan hệ an ninh và quốc phòng, bao gồm cả khả năng đạt thỏa thuận cung cấp dịch vụ cung ứng và hậu cần (ASCA) cho phép các tàu của Nhật Bản thường xuyên vào New Zealand sửa chữa và sử dụng dịch vụ”.
Nếu như trước đây, New Zealand cố gắng cân bằng quan hệ giữa Mỹ (đồng minh quân sự lớn nhất) với Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất) thì giờ đây, theo website World Socialist, Chính phủ New Zealand đã kết luận rằng tính trung lập là không còn khả thi và đã liên kết công khai với trục của Mỹ, trong đó có Nhật Bản.
Đáng chú ý là trong chuyến thăm Washington vào tháng 6, Thủ tướng New Zealand John Key đã đưa ra một tuyên bố chung với Tổng thống Barack Obama công khai lên án Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải với Việt Nam và Philippines.
Nếu chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Australia và New Zealand có trọng tâm là siết chặt hợp tác an ninh, quốc phòng, kinh tế thì chuyến thăm của ông Abe tới Papua New Guinea mang tính chất tìm thêm nguồn cung cấp năng lượng cho Nhật Bản. Theo đó, nước này sẽ bán cho Nhật Bản khí đốt hóa lỏng nhiều tỷ USD và ngược lại, Nhật Bản sẽ cấp viện trợ ODA 20 tỷ yen (hơn 197 triệu USD) trong vòng 3 năm. Đảo quốc Papua New Guinea cũng tuyên bố ủng hộ việc nâng cao vai trò quân đội của Nhật Bản.
Nằm ở phía Nam Thái Bình Dương không xa lắm biển Đông, Australia, New Zealand và Papua New Guinea trở thành vành đai chiến lược phía Nam cùng với Indonesia, Ấn Độ và Nhật Bản như một gọng kìm bao quanh biển Đông và Hoa Đông và cả vịnh Bengal. Vì vậy, 3 nước này trở thành mắt xích không thể thiếu trong việc đảm bảo an ninh và hòa bình cho khu vực.
THỤY VŨ