Hội trường Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, lặng đi trong giây lát khi bé trai tên Q. (12 tuổi) đặt câu hỏi: “Khi con 18 tuổi, tương lai của con sẽ về đâu?”.
Trong câu nói, niềm tủi phận, nỗi lòng khắc khoải về tương lai, trùm lên vẻ hồn nhiên tinh nghịch của con trẻ khiến những người lớn có mặt hôm đó không khỏi xót xa, thắt lại.
Đồng cảnh ngộ như 123 em khác (từ sơ sinh đến 16 tuổi), đang được chăm sóc tại trung tâm, Q., sinh ra đã chịu thiệt thòi khi không có tình thương, sự chăm sóc của bàn tay cha mẹ song lại gắn chặt với căn bệnh HIV/AIDS. Và, tất cả 124 em, trước khi được trung tâm nhận, đều bị bỏ rơi tại các bệnh viện phụ sản của TP và các tỉnh lân cận hoặc nằm lẻ loi đơn độc ở đâu đó ngoài cộng đồng.
Ngoài HIV, khi vào trung tâm đa phần các em đều bị suy dinh dưỡng nặng, viêm gan siêu vi B-C, lao, nhiễm trùng da và một số bệnh xã hội khác…
Bên cạnh giờ học tập, chơi trò con nít như bao trẻ em khác, các em phải tuân thủ phác đồ điều trị ARV (1 loại thuốc kháng virus HIV/AIDS) nghiêm ngặt nhằm tránh nguy cơ kháng thuốc, học và áp dụng các biện pháp dự phòng nhằm tránh lây truyền HIV sang người khác.
Không có tuổi thơ bình yên, nên ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, các em đã chất chứa bao lo lắng: Hiện con đang học cấp 2, mai mốt lên cấp 3, sang trường khác, nếu bị phân biệt đối xử thì con phải làm sao? Nếu học xong, con tái hòa nhập cộng đồng nhưng bị gia đình, cộng đồng phân biệt thì con có được tiếp tục ở trung tâm nữa không?...
Để san sẻ phần nào nỗi lo toan của các em, Sở LĐTB-XH TPHCM phối hợp với Đoàn Luật sư TPHCM vừa tổ chức buổi giao lưu “Cùng em vững bước” tại trung tâm, nhằm giúp các em nắm được quyền và nghĩa vụ của trẻ em; có kỹ năng xử lý các tình huống thường gặp trong học đường…
Trò chuyện với các em, luật sư Trịnh Đức Duy cho biết: Theo pháp luật, không có sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV, các em có thể đi du học, đi làm bình thường như những người khác...
Bà Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc trung tâm chia sẻ, trung tâm luôn thực hiện tái hòa nhập cộng đồng cho các em ở mọi lứa tuổi; khi thành niên, các em chưa có gia đình hoặc chưa tự lập được, các em vẫn có thể ở trung tâm. Không dừng lại ở một buổi tư vấn pháp luật, những người tổ chức chương trình đã truyền cho các em niềm tin, sẽ đồng hành với các em “vững bước” trong đường đời!
Còn tương lai của các em, như luật sư Trịnh Đức Duy trả lời các bé: “Chuyện này do các con tự trả lời. Nếu con muốn mình là người tốt, từ bây giờ hãy cố gắng học tập. Còn nếu con cứ mải chơi lêu lổng, các con sẽ làm nhiều người buồn lòng”.
Tương lai là do các em quyết định. Nhưng, để các em có câu trả lời tốt nhất có thể cho tương lai của mình, rất cần những bàn tay rộng mở với tấm lòng chan chứa yêu thương của cộng đồng đón nhận các em. Như thế, các em có được một gia đình đúng nghĩa, có điều kiện thực hiện những ước mơ, khát vọng trở thành hiện thực và sự hoài nghi không còn vương trên mắt trẻ thơ.
ĐƯỜNG LOAN