Trong không khí náo nức đón Xuân về, chúng tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình làng nghĩa xóm trong lúc khó khăn, hoạn nạn, neo đơn. Giữa cuộc sống bon chen, ồn ào tính toán, những tấm gương bình dị của họ không chỉ làm ấm lòng những người nghèo mà còn là dịp để nhiều người nhìn lại chính mình.
Những “ô sin” tình nguyện
Chồng qua đời, không con cái, bà Ngô Thị Biểu (81 tuổi) kiếm sống qua ngày bằng tủ thuốc lá lề đường. Hơn nửa năm trước, bà bị đau thần kinh tọa, phải nằm một chỗ trong căn phòng trọ 833/15 Trường Chinh, khu phố 3, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM. Cơn đau hành hạ, cuộc sống đơn chiếc khó khăn khiến bà không ít lần nghĩ quẩn.
Thương bà già nghèo cô quạnh, vất vả, chị Võ Thị Nga, nhà sát bên chỗ trọ của bà Biểu liền tìm đến tổ trưởng tổ dân phố 67 bàn cách giúp đỡ. Lập tức, ban điều hành khu phố 3 vận động người dân trong tổ và các mạnh thường quân góp gạo, tiền giúp bà Biểu trang trải cuộc sống. Những cơn đau nhức do bệnh tiểu đường, cao huyết áp của bà cũng giảm nhiều do được tổ dân phố xin thuốc giùm. Ngay cả việc mà nhiều người e ngại với chính người thân của mình như giặt giũ, vệ sinh, cơm nước cho bà cụ cũng được chị Nga tự nguyện làm.
Đến nay, dù vẫn còn yếu nhưng bà Biểu đã có thể đi đứng trở lại. Bà xúc động tâm sự: “Nếu không có vòng tay nhân ái của bà con xóm giềng, nhất là cô Nga, chắc tôi không qua nổi. Nhà cổ ăn gì, tôi cũng được ăn món đó…”.
Trong căn phòng trọ gần bên, nhìn đứa cháu nội Nguyễn Thị Thanh Phương đang ngồi làm từng phép toán cộng trừ, bà Nguyễn Thị Sành thấy mừng trong dạ. 7 tuổi, mồ côi cha hơn 3 năm, mẹ phải đi tù nên Phương sống cùng bà nội. Gần 70 tuổi, sức khỏe yếu, bà Sành chỉ phụ giúp việc nhà, xin đồ ve chai mang đi bán để đắp đổi qua ngày, chẳng thể nào có tiền cho cháu đến trường. Năm ngoái Phương không vào lớp 1 khi đến tuổi, năm nay tiếp tục bỏ học.
Biết chuyện, dù đã giữa tháng 10-2012, niên học bắt đầu được 2 tháng, các cô chú trong Ban điều hành khu phố 3 đề nghị lãnh đạo phường Tây Thạnh xin Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lê Lai cho cháu Phương được đến lớp. Ngay trong chiều hôm đó, đại diện Chi hội người cao tuổi làm hồ sơ, mua BHYT, quần áo sách vở... cho cháu Phương nhập học; phường Tây Thạnh và các mạnh thường quân hỗ trợ 900.000 đồng, riêng tổ dân phố 67 vận động mỗi gia đình trong tổ góp 20.000 đồng để gửi tiền xăng cho một người tình nguyện đưa đón cháu Phương đi học.
Bà Biểu và cháu Phương là hai trong số nhiều trường hợp được giúp đỡ từ mô hình “Tổ dân phố nghĩa tình” mà khu phố 3 phường Tây Thạnh quận Tân Phú đã nhân rộng ra khắp 25 tổ trong khu phố.
“Hạt muối cắn đôi”
Trong các ngành nghề, có lẽ “nghề” cán bộ mặt trận có thu nhập khiêm tốn nhất. Thế nhưng, đã hơn 2 năm qua, ít ai biết được các cán bộ mặt trận quận 5 đã âm thầm góp tiền hàng tháng đều đặn 500.000 đồng để bảo trợ gia đình ông Nguyễn Văn Năm, ngụ 84/38 đường Nguyễn Biểu, phường 1. Hai vợ chồng già đã 70 tuổi, có 4 mụn con thì cả 2 người con trai đều bị điên. Lo cho các con đến tàn tạ cả sức khỏe thì một ngày, chồng của cô con gái út dứt tình, đem vợ và đứa con về “trả” lại cho ông bà ngoại bởi cô gái cũng phát bệnh điên, không kiểm soát nổi! Thương con, nuốt nước mắt vào lòng, hai ông bà già lại cặm cụi trông những đứa con điên loạn và các cháu để người con gái tỉnh táo duy nhất gồng gánh lo cho cả nhà.
Với gia đình nghèo ấy, các cán bộ mặt trận từ lâu đã là “người nhà”. Có khoản gì hỗ trợ, ai tặng quà tết, chương trình nào từ thiện… thì gia đình ông Năm đều được vào danh sách nhận. Không chỉ bảo trợ hàng tháng 500.000 đồng, MTTQ quận còn đi “xin” được doanh nghiệp nhận hỗ trợ lâu dài 1 triệu đồng/tháng cho gia đình ông đã 2 năm qua. “Tiền bao nhiêu ăn xài cũng hết chứ tình nghĩa giữa con người với nhau thì sẽ còn hoài”- câu trả lời của Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Đặng Thị Minh Phượng khi dẫn chúng tôi đến nhà thăm ông già Năm cứ đọng lại mãi!
| |
Nhóm PV
| |
| |