Cùng trang thiết bị, giá chênh 6 lần ​

Rất nhiều ĐBQH đã bày tỏ quan tâm đến các vấn đề về y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết trong báo cáo vừa được gửi đến các vị ĐBQH ngay trước phiên thảo luận trực tiếp sáng nay, 9-6. 
Một số ý kiến cho rằng không loại trừ lợi ích nhóm trong mua sắm thuốc, đấu thầu trang thiết bị y tế
Một số ý kiến cho rằng không loại trừ lợi ích nhóm trong mua sắm thuốc, đấu thầu trang thiết bị y tế

Trong khi ghi nhận năm 2016, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm hơn, quản lý, điều hành ngành y tế đã có nhiều cải thiện, thì cũng không ít ý kiến ĐBQH cho rằng, ngành y tế còn những tồn tại, bất cập phải lâu dài mới khắc phục được.

Chi cho sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình thấp hơn dự toán đã được Quốc hội quyết định. Nguồn lực y tế phân bổ chưa hợp lý, không đồng đều cả về số lượng và chất lượng giữa các vùng, các tuyến y tế cơ sở. Nguồn đầu tư cho trang thiết bị y tế rất lớn nhưng ở một số nơi chưa dùng đã hỏng hoặc dùng không hết công suất.

Ở đây cũng có lý do khách quan, chẳng hạn như công trình Bệnh viện 700 giường tại Nam Định, dự toán 800 tỷ đồng, nhưng mới đầu tư được 350 tỷ thì bị hoãn; đến nay đã 6-7 năm, trở thành một bãi hoang, vô cùng lãng phí.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, còn nhiều bất cập trong quản lý hành nghề y, dược, không loại trừ lợi ích nhóm trong mua sắm thuốc, đấu thầu trang thiết bị y tế. Kiểm toán đã chỉ rằng, cùng một chủng loại trang thiết bị y tế, nhưng giá mua của bệnh viện tại Hà Nội cao hơn 5-6 lần so với bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Liên quan đến việc phải tiêu hủy 20.000 viên thuốc chữa ung thư do tổ chức quốc tế tài trợ, có ý kiến ĐBQH cho rằng đây chính là biểu hiện sự thờ ơ, vô cảm của các cơ quan quản lý nhà nước.  Và qua đánh giá tình hình, thì lỗi của bệnh viện chủ quản là không hề nhẹ.

Có ý kiến cho rằng, hiện còn khoảng 18% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế; việc vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế còn khó khăn. Trong khi đó, công tác điều hành, sử dụng kinh phí bảo hiểm y tế có những biểu hiện tiêu cực. Việc Bảo hiểm xã hội siết chặt chi trả khiến người sử dụng bảo hiểm y tế chịu nhiều thiệt thòi khi tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ y tế; các bệnh viện không mạnh dạn sử dụng loại thuốc phù hợp nhất, do e ngại bị xuất toán. Người bệnh đang chịu áp lực tài chính vì dịch vụ y tế sắp tăng giá theo lộ trình.

 ĐBQH đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu, kịp thời hơn nữa để chăm sóc tốt nhất sức khỏe nhân dân, quan tâm, chú trọng đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý tốt thị trường thuốc; đẩy nhanh tiến độ đầu tư và chuẩn bị tốt các điều kiện để xây dựng 10 bệnh viện với quy mô gần 5.500 giường đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần xem xét lại chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân. Đồng thời, bổ sung giải pháp nâng cao thể chất cho người Việt Nam; có định hướng, giải pháp thích ứng với tình trạng già hóa dân số trong những năm tiếp theo. Chính phủ cần có chính sách phù hợp nhằm mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đồng thời hạn chế tối đa tình trạng trục lợi trong lĩnh vực này; không đẩy khó khăn, thiệt thòi về phía người bệnh và ngành y tế. Một khuyến nghị quan trọng là đề nghị sửa đổi Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.

Tin cùng chuyên mục