Cuộc chiến chống HIV/AIDS trên toàn cầu - Chưa có điểm dừng

Theo kế hoạch, cuộc họp cấp cao LHQ về AIDS sẽ chính thức khai mạc tháng 6-2011. Nhân dịp này, tại Hội nghị lần thứ 124 của Hội đồng Liên nghị viện tổ chức ở Panama từ 15 đến 20-4, LHQ đã công bố báo cáo cho thấy những thành quả đạt được trong cuộc chiến chống HIV/AIDS rất đáng khích lệ.
Cuộc chiến chống HIV/AIDS trên toàn cầu - Chưa có điểm dừng

Theo kế hoạch, cuộc họp cấp cao LHQ về AIDS sẽ chính thức khai mạc tháng 6-2011. Nhân dịp này, tại Hội nghị lần thứ 124 của Hội đồng Liên nghị viện tổ chức ở Panama từ 15 đến 20-4, LHQ đã công bố báo cáo cho thấy những thành quả đạt được trong cuộc chiến chống HIV/AIDS rất đáng khích lệ.

  • Số ca nhiễm mới trên toàn cầu giảm 20%

Rất cần sự tham gia của toàn xã hội

Mặc dù ghi nhận sự suy giảm chung về số người nhiễm HIV trên toàn cầu, nhưng thực tế mỗi ngày vẫn có hơn 7.000 người, trong đó có khoảng 1.000 trẻ em, bị nhiễm virus HIV.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gọi năm 2011 là “khoảnh khắc của sự thật” trong bối cảnh quỹ chống dịch bệnh này không tăng thêm mà dịch bệnh lại tiếp tục lan rộng ở một số nơi. Theo ông, “các chính phủ đang hợp tác để giải quyết vấn đề - nhưng sự hợp tác này cần phải có sự tham gia của cả xã hội mới có thể thúc đẩy những nỗ lực của chính phủ”.

Theo LHQ, cuộc chiến chống HIV/AIDS không còn là một gam màu xám. Ít nhất 33 quốc gia đã chứng kiến sự suy giảm 25% số ca nhiễm bệnh mới.

Trong lĩnh vực điều trị, thế giới ghi nhận, chỉ mới 5 năm số người bệnh được chữa trị bằng thuốc đã tăng lên gấp 10 lần. Hàng triệu người đã được kéo dài sự sống. Trong lĩnh vực ngăn chặn, số ca nhiễm mới đã giảm gần 20% kể từ năm 2001.

Theo ước tính của UNAIDS, cả châu Á có khoảng 5 triệu người đang sống chung với HIV, một sự thay đổi không nhỏ so với 5 năm trước. Có khoảng 360.000 người mới nhiễm HIV trong năm 2009, giảm khoảng 20% so với 450.000 người nhiễm trong năm 2001.

Tuy nhiên, trong khi số ca nhiễm mới ở Ấn Độ, Nepal, Thái Lan giảm khoảng 25% trong 8 năm (tính đến 2009), thì số ca nhiễm mới ở Bangladesh và Philippines tăng 25% trong thời gian cùng kỳ.

Báo cáo của LHQ cũng ghi nhận nhiều quốc gia đã có tiến bộ trong việc tạo một môi trường thuận lợi để người bị nhiễm HIV có thể sống chung, có thể tìm kiếm sự điều trị mà không sợ bị cô lập.

Một buổi học phổ biến kiến thức về ngăn ngừa HIV/AIDS trong học đường ở Johannesburg, Nam Phi.

Một buổi học phổ biến kiến thức về ngăn ngừa HIV/AIDS trong học đường ở Johannesburg, Nam Phi.

Tại khu vực Mỹ Latinh và Carribe có khoảng 1,6 triệu người đang nhiễm virus HIV. Theo Giám đốc UNAIDS ở khu vực Mỹ Latinh, Cesar Nunez, Mỹ Latinh đã không đạt được sự tiến bộ nào trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của HIV/AIDS. Mặc dù vậy, đây là khu vực cung cấp nhiều thuốc cho bệnh nhân nhiễm HIV nhất. Có khoảng 600.000 người bị nhiễm AIDS và khoảng 50% trong số này được điều trị.

Ở nhiều nước Nam Mỹ, có đến 70% số bệnh nhân được tiếp cận thuốc. Ông kêu gọi chính phủ khắp Mỹ Latinh và vùng Carribe nỗ lực đối phó với sự lây lan của HIV, gợi ý các chính phủ tập trung vào việc ngăn ngừa đối tượng thanh thiếu niên và ở trường học.
Hướng về mục tiêu “không” cho năm 2015

Theo mục tiêu đầy tham vọng của LHQ, đến năm 2015, trên thế giới sẽ không có ca lây nhiễm HIV mới và không có người chết liên quan đến căn bệnh thế kỷ AIDS. Năm 2015 là năm thế giới bước vào giai đoạn 3 của cuộc chiến chống HIV/AIDS.

Trọng tâm của LHQ là làm sao các quốc gia thực hiện được những mục tiêu về tiếp cận phổ cập các dịch vụ về HIV, trong đó không còn phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, phổ biến cho phụ nữ và trẻ em gái biết đến rộng rãi phương thức tránh bị lây nhiễm và số người nhiễm bệnh trên toàn cầu đều tiếp cận được thuốc chữa bệnh.

Trong khi thế giới đang bắt đầu chứng kiến một sự đảo chiều về tốc độ lây nhiễm HIV và sự đầu tư chống lại căn bệnh này đang bắt đầu gặt hái nhiều thành công, thì theo Peter Piot, cựu Giám đốc điều hành chương trình UNAIDS của LHQ, “mặc dù có một sự tiến bộ trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, nhưng vẫn còn sớm để tuyên bố chiến thắng”.

Còn theo Murray Proctor, Đại sứ HIV/AIDS của Australia, giá thuốc vẫn là thử thách trong khu vực. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi chính phủ các nước cam kết góp thêm tiền chống AIDS và lưu ý rằng quỹ này vẫn còn khoảng 16 tỷ USD chưa thu được. 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục