Hôm nay, hai đội bóng thủ đô là HN.ACB và Hòa Phát HN cùng đối diện với… “đoạn đầu đài”. Suất đá play-off thật oan nghiệt, và số phận như trêu ngươi 2 chú “gà nhà”. Họ phải so đọ với nhau, cùng tung hết các chiêu trò để thực hiện nhiệm vụ duy nhất: trốn chạy suất play-off.

HPHN - HN.ACB (áo trắng), hai đội bóng cùng thành phố nhưng chưa bao giờ nhân nhượng nhau.
Trái tim người Hà thành xẻ làm đôi vào chiều nay? Nhìn thoáng qua thì đúng vậy. Một nửa ngóng về phố núi Pleiku, nửa còn lại phập phồng với từng nước cờ trên sân Hàng Đẫy.
Thực tế thì cái cảnh xẻ đôi con tim ấy đã quá quen với bóng đá thủ đô. Người “yêu” HN.ACB không còn nhiều, và đấy là những người mang hơi hướm hoài cổ vì trót yêu những giá trị cũ. Những CĐV hiếm hoi còn lại của HN.ACB đến sân vì chút nặng lòng với “chất” CAHN ngày xưa, chứ họ đã “ngấy tận cổ” cái bản tình ca buồn mà đội bóng của bầu Kiên tạo nên.
Đối với Hòa Phát HN, bề ngoài thì đội bóng trẻ trung này có lượng CĐV đông hơn hẳn đàn anh HN.ACB. Nhưng có “yêu” thật hay không thì còn… chờ (?!). Có vẻ như Hòa Phát HN hút hàng chỉ vì sự bề thế, phát triển theo… giá cổ phiếu của tập đoàn sở hữu đội bóng. “Người yêu” của Hòa Phát HN phần nhiều là đối tác làm ăn với các ông bầu của đội bóng này. Cái tình mà Hòa Phát HN có được dường như nhờ cách “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” hơn là những màn trình diễn trên sân cỏ.
Đến ngay cả LĐBĐ Hà Nội- mái nhà chung của Hòa Phát HN lẫn HN.ACB- cũng ngả nghiêng, đôi khi bên trọng bên khinh tùy theo cách “biết điều” của mỗi ông chủ sở hữu đội bóng.
***
Khi sa cơ, hai người anh em cùng thành phố có còn giữ được sự đoàn kết, quan hệ mật thiết?
Đúng là HN.ACB và Hòa Phát HN sở hữu chung nhau một tòa nhà, tập chung một chỗ. Nhưng đâu phải cứ ở chung và tập chung một nơi là không có va vấp, không có những cái “kênh” nhau. Nhất là khi “đàn em” Hòa Phát HN thỉnh thoảng lại hay tạo ra cú sốc, “vuốt mặt” ông anh.
Bây giờ, cùng phải đối diện với “bảng phong thần” là suất đá play-off, giá trị của tình cảm càng có thước đo thẩm định. Hòa Phát HN chỉ hơn HN.ACB 1 điểm, nhưng chiều nay, “đàn em” lại được đá sân nhà trước TCDK.SLNA, trong khi đội bóng của bầu Kiên phải tử chiến với HAGL trên Pleiku.
Thông thường, nếu đề huề điểm số, TCDK.SLNA chính là “người nhà” của cả Hòa Phát HN và HN.ACB. Tuy vậy, trong thế mà chỉ cần 1 trong 2 đội bóng thủ đô mất điểm ở vòng áp chót này là gần như đặt 1 chân vào suất đá play-off, TCDK.SLNA trở thành vị “quan tòa” định xét số phận. Nói TCDK.SLNA nắm quyền “phán quyết” vì mối giao hảo giữa HN.ACB và HAGL không quá mật thiết, đặc biệt là ở thời điểm hiện tại, đội bóng phố núi vẫn cần điểm để đua tranh vị trí á quân.
Thật ra đã có những thông tin nói rằng, nếu HN.ACB không thắng nổi HAGL thì Hòa Phát HN cũng… chia điểm. “Chia sẻ” như vậy, bởi mối quan hệ với TCDK.SLNA -vị “quan tòa” của bóng đá thủ đô ở giai đoạn cuối này- là do HN.ACB kéo về. Đấy chưa kể ở HN.ACB còn còn cựu “Khổng Minh xứ Nghệ” Nguyễn Hồng Thanh, người vẫn được nhiều cầu thủ xứ Nghệ nể trọng.
***
Công bằng mà nói, Hòa Phát HN có một HLV Trần Bình Sự lắt léo và mát tay. Nhưng phía sau HN.ACB cũng là những… tay không vừa. Bởi thế, nếu trông đợi kết quả từ những yếu tố thuần chuyên môn, người ta lại nhớ nhiều đến tiếng cười của thầy trò Trần Văn Phúc chứ không phải Hòa Phát HN hay Thép-Cảng khi báo giới gán cho họ cái vị thế của kẻ yếu nhất trong cuộc đua trốn chạy khỏi suất play-off.
Lật hay không lật? Câu trả lời của cuộc chiến “gà nhà” sẽ đến sau loạt trận được nối mạng chiều nay.
|
3 câu hỏi với HLV Hoàng Văn Phúc (Hà Nội ACB): |