Cuộc chiến giành khách hàng qua mạng

Sự kiện doanh số bán hàng qua mạng lần đầu tiên vượt 1 tỷ USD trong ngày mua sắm Black Friday tháng trước đã làm nhiều doanh nghiệp Mỹ không khỏi bất ngờ khi nhận ra người tiêu dùng Mỹ đã hình thành một thói quen mới: mua sắm qua mạng.

Theo số liệu do hãng thống kê thương mại điện tử comScore Inc công bố, bất chấp kinh tế khó khăn, doanh số mua hàng qua mạng trong ngày Black Friday tại Mỹ đạt 1,04 tỷ USD, tăng 26% so với năm ngoái, chỉ ở mức 816 triệu USD.

Trong cơn suy thoái kinh tế, nhiều nhà bán lẻ sa thải bớt nhân viên, thu gọn hoạt động và mặt bằng... Kết quả là, dịch vụ khách hàng và mua sắm trực tiếp xấu đi trong khi thương mại điện tử phát đạt nhờ dễ dàng hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Nhiều doanh nghiệp đóng bớt các mặt bằng và tập trung nguồn lực còn lại vào phát triển các trang web bán hàng, giá cả và sự đa dạng thông tin sản phẩm.

Mặc dù thương mại điện tử hiện chiếm chưa tới 10% doanh số tiêu dùng của người Mỹ nhưng kênh bán hàng này đã cho thấy đà tăng trưởng mạnh vì người mua sắm bị lôi cuốn bởi mức giá thấp, tiện lợi hơn, thời gian giao hàng nhanh hơn và nhiều lựa chọn hơn. Thành công bất ngờ đã trở thành động lực thôi thúc các doanh nghiệp Mỹ chạy đua sang hình thức kinh doanh qua mạng để tranh thủ những ngày còn lại của mùa mua sắm cuối năm.

Tuy nhiên, sự thay đổi về thói quen mua sắm của khách hàng này cũng khiến không ít nhà bán lẻ Mỹ, nhất là những ai tung ra chương trình khuyến mãi cam kết giá thấp nhất thị trường, cảm thấy áp lực bởi khách hàng luôn nắm rõ về giá và có thể kiểm tra, so sánh giá của các cửa hàng khác nhau.

Chính vì vậy, cuộc chiến giành giật khách hàng qua mạng của 3 đại gia bán lẻ có tiếng của Mỹ là Target, Wal-Mart và Amazon hiện nay đang là cuộc rượt đuổi về giá cả. Trong mùa mua sắm này, cuộc rượt đuổi về giá giữa Amazon và các hãng bán lẻ khác tiếp tục diễn ra vô cùng khốc liệt khi mức giá với từng loại sản phẩm liên tục thay đổi. Thậm chí, có những sản phẩm thay đổi giá liên tiếp trong 7 ngày. Các hãng này liên tục điều chỉnh giá và đề xuất giao hàng cùng ngày.

Có một điều đáng chú ý là người Mỹ ngày càng thích mua hàng qua điện thoại di động, máy tính bảng. Số lượng truy cập qua các thiết bị này vào các website bán lẻ chiếm khoảng 26%.

Mới đây, 3 nhà bán lẻ J.C. Penney, Nordstrom và Sears Holdings bắt đầu triển khai hệ thống máy tính bảng và màn hình cảm ứng tại các cửa hàng để khách hàng tìm hiểu về sản phẩm và có thể đưa ra thêm nhiều đề nghị cho nhà bán lẻ, như cách Amazon làm. Các hãng còn nhờ đến các công cụ hỗ trợ tìm kiếm để quảng bá cho sản phẩm của mình.

Theo Blommberg, các cửa hàng còn gắn wifi miễn phí để khuyến khích người mua sử dụng ứng dụng di động của nhà bán lẻ tìm hiểu thông tin sản phẩm trong lúc tham quan. Có nơi còn cung cấp suất ăn chống đói khẩn cấp cho khách hàng và nhiều dịch vụ, trong đó có cả dịch vụ sửa máy tính. Ở cuộc cạnh tranh giành giật khách này, các chương trình máy tính tinh vi có thể giúp các nhà bán lẻ thay đổi giá chỉ sau vài giờ, thậm chí vài phút.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục