Cuộc chiến khó khăn

THANH HẰNG

Với tuyên bố áp dụng thêm nhiều biện pháp mạnh tay hơn để xóa sổ vấn nạn ma túy, Indonesia đã trở thành quốc gia mới nhất trong Đông Nam Á nối gót chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi tại Philippines với hơn 2.000 người bị xử tử. Cơ quan chống ma túy quốc gia Indonesia (BNN) đang trong quá trình trang bị thêm vũ khí, công nghệ và chó nghiệp vụ cho lực lượng cảnh sát nhằm tăng cường tính quyết liệt của chiến dịch chống ma túy tại quốc đảo này. Đây cũng là hai trong số nhiều quốc gia trong khu vực công khai tuyên chiến với vấn nạn ma túy. Jakarta tăng cường xử tử tội phạm có dính líu tới “cái chết trắng”, còn Manila phát động chiến dịch trấn áp thẳng tay với những nghi phạm buôn bán loại chất cấm này cũng như những đối tượng nghiện hút. Thái Lan và Myanmar hiện đã tăng mức phạt tù đối với những đối tượng sử dụng ma túy.

Theo Reuters, loại ma túy hiện đang được sử dụng và buôn lậu nhiều nhất tại châu Á là methamphetamine do giá thành rẻ. Nhu cầu tăng tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á là nguyên nhân dẫn tới thực trạng sản xuất và buôn bán trái phép methamphetamine trên phạm vi toàn cầu ngày càng mở rộng. Theo thống kê của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hiệp quốc (UNODC), trong năm 2009, cảnh sát Đông Á và Đông Nam Á thu giữ khoảng 11 tấn methamphetamine. Con số này đã tăng gấp 4 lần trong năm 2013, lên 42 tấn. Trong năm 2013, số lợi nhuận thu được trong buôn bán ma túy ở khu vực này lên tới 15 tỷ USD. Nhu cầu về methamphetamine được đáp ứng từ các cơ sở sản xuất lớn tại khu vực lân cận Trung Quốc, Myanmar  và Philippines. Ngoài ra, các băng nhóm tội phạm có tổ chức tăng cường buôn bán trái phép methamphetamine từ Mexico, Trung Đông, Nam và Tây Á, Tây Phi vào thị trường Đông Á và Đông Nam Á.

Theo ông Geoff Monaghan, người có 30 năm theo dấu các nhóm tội phạm buôn ma túy tại Sở Cảnh sát London, chiến dịch chống ma túy của Philippines sẽ không đem lại hiệu quả cao vì tình trạng bạo lực lan tràn, Manila chỉ tập trung triệt phá các nhóm tội phạm nhưng lại lơ là trong việc lần theo các đường dây buôn lậu ma túy. Vào năm 2003, Thái Lan đã mở cuộc chiến chống ma túy và khiến 2.800 người chết trong 3 tháng, nhưng sau đó, vấn đề cung cầu các loại ma túy vẫn diễn ra tại đất nước này. Từ đó đến nay, đã có hàng ngàn tội phạm ma túy bị giam giữ tại các nhà tù Thái Lan. Hơn 70% trong số 300.000 tù nhân tại Thái bị giam giữ có liên quan đến vấn đề ma túy.

Theo giới chuyên gia, vấn đề cai nghiện tại châu Á cũng đang không nằm trong trọng tâm phòng chống ma túy tại nhiều nước do chi phí cao. Trong năm 2014, chỉ có 1% số người nghiện ma túy tại Indonesia được điều trị để tránh việc tái nghiện. Nhiều bằng chứng cho thấy việc điều trị hiệu quả nhất là tự nguyện và dựa vào cộng đồng. Một nghiên cứu năm 2015 tại Malaysia cho thấy có hơn một nửa người bị bắt buộc đến các các trung tâm cai nghiện có nguy cơ tái nghiện trong vòng 32 ngày kể từ ngày bắt đầu điều trị. Còn đối với những người tình nguyện điều trị, con số này là 429 ngày. UNODC cho rằng, để có thành công bền vững trong nỗ lực kiểm soát ma túy đòi hỏi phải có cách tiếp cận cân bằng và toàn diện, giải quyết cả vấn đề cung và cầu phải được bổ trợ bằng các biện pháp thực chứng với trọng tâm là ngăn ngừa, điều trị, phục hồi và hòa nhập cộng đồng.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục