“Cuộc chiến” với cái nghèo

Vượt lên chính mình
“Cuộc chiến” với cái nghèo

“Giảm hộ nghèo tăng hộ khá” là một trong những tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới mà chính quyền và người dân xã Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn TPHCM đang ra sức phấn đấu hoàn thành. Có dịp đến đây, được gặp gỡ những người dân chân chất, bình dị từng một thời lam lũ nói về “cuộc chiến” không khoan nhượng với cái nghèo mới thấy trân trọng trước ý chí, nghị lực của họ…

Bà Lý Thị Trắng, hộ nông dân điển hình thoát nghèo ở xã Xuân Thới Thượng. Ảnh: Lực Điền

Bà Lý Thị Trắng, hộ nông dân điển hình thoát nghèo ở xã Xuân Thới Thượng. Ảnh: Lực Điền

Vượt lên chính mình

Chúng tôi đến ấp 1 xã Xuân Thới Thượng thăm nhà bà Lý Thị Trắng (58 tuổi), một trong những điển hình cho nỗ lực không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Bước vào hiên nhà, lúc này, bà Trắng đang loay hoay dọn dẹp mấy thứ đồ lặt vặt. Mở đầu câu chuyện, bà Trắng khoe về căn nhà mới khang trang hơn 60m² trị giá hàng chục triệu đồng vừa được xây cách đây không lâu.  “Thoát khỏi cảnh cơ hàn, có được ít tiền để dành cất lại cái nhà đàng hoàng cũng nhờ chính quyền xã giúp đỡ vay vốn làm ăn. Trước đó cực nhọc lắm mấy chú”, bà Trắng bùi ngùi nói.

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, quanh năm suốt tháng hết cày sâu trên đồng, cuốc bẩm trên vườn mà vẫn bị cái nghèo bám chặt. Đến khi cha mẹ qua đời, bà Trắng cùng chồng vẫn ngày đêm cặm cụi mưu sinh bằng việc cắt lúa, lặt đậu phộng mướn. Chính lúc tưởng chừng như cuộc sống bế tắc không còn lối thoát thì bà Trắng biết được thông tin về nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ cho người dân lao động nghèo từ địa phương.

Năm 1999 với 5 triệu đồng vay từ quỹ “xóa đói, giảm nghèo” vợ chồng bà mua các loại hạt giống hoa màu về trồng cùng với con heo nái khởi nghiệp. Trời không phụ người, trải gần 10 năm chăm chỉ làm ăn, những mùa thu hoạch trúng, từng lứa heo khỏe mạnh xuất chuồng đã giúp gia đình bà Trắng không những thoát khỏi cơ cực, trả hết nợ mà còn có chút của ăn của để. Năm 2009 gia đình bà vinh dự có tên trong danh sách phúc tra hộ thoát nghèo của xã với mức thu nhập đạt trên 12 triệu đồng/năm. Dẫn chúng tôi ra thăm ruộng dưa leo rộng hơn 2.000m² cách vách tường bên trái nhà vài bước chân đang được người con trai cả chăm sóc chờ ngày thu hoạch, bà Trắng vui vẻ cho biết nếu vụ dưa này trúng giá, trừ hết chi phí gia đình lời hơn chục triệu đồng.

Đổi đời nhờ vốn vay

Rời nhà bà Trắng, chúng tôi đến nhà lão nông Trần Văn Thành (66 tuổi) tại ấp 3. Câu chuyện vượt nghèo của người đàn ông với gương mặt sạm nắng, đôi tay gân guốc chắc nịch cũng rất gian nan. Ông Thành tham gia bộ đội từ trước ngày đất nước thống nhất. Năm 1988, sau khi phục viên, ông về lại vùng quê Xuân Thới Thượng ngày ấy vốn còn quá khốn khó. Như bao cảnh gia đình nông dân nghèo thời bấy giờ, ông Thành ngày ngày bầu bạn với cái cuốc, cái cày. Ngặt nỗi làm bao nhiêu nghèo vẫn hoàn nghèo. Có thời gian ông và vợ mượn nợ người quen sang tận xã Xuân Thới Sơn thuê 2 công đất trồng bắp cải trắng (cải thảo).

Đang háo hức chờ ngày thu hoạch thì loại rau này bị rớt giá trên thị trường. Bán đổ bán tháo chỉ đủ vớt vát được ít tiền, nợ nần chồng chất. Đầu năm 2000, cũng từ thông tin về nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ sản xuất mà địa phương đang triển khai, ông Thành quyết định tìm cơ hội đổi đời từ số tiền gần 10 triệu đồng vay 2 đợt nuôi bò sữa và trồng hoa màu. Hơn 10 năm chăm sóc cần mẫn, hiện tại mỗi tháng đàn bò sữa 5 con của ông Thành cho ra lò 25 - 26kg sữa tươi với mức lãi thu về xấp xỉ hơn 3 triệu đồng. Cộng thêm với tiền trồng các loại rau màu khác mức thu nhập của gia đình ông Thành gần 6 - 7 triệu đồng/tháng. Cũng theo kết quả phúc tra năm 2009 của ban giảm nghèo xã, hộ ông Trần Văn Thành đạt chuẩn hộ thoát nghèo.

Ông Mai Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng cho biết, sau một thời gian triển khai thực hiện đề án xây dựng xã nông thôn mới, đến cuối năm 2010 công tác “giảm hộ nghèo, tăng hộ khá” tại địa phương rất khả quan với kết quả kéo giảm hộ nghèo còn 3,79%.

Ông Tân cũng quả quyết rằng với hàng loạt các biện pháp đang được triển khai như đều đặn tổ chức hỗ trợ cho nông dân tập huấn các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, học tập các mô hình và vay vốn sản xuất kinh doanh; rà soát điều tra nhanh; trợ cấp khó khăn; cấp học bổng; thẻ bảo hiểm y tế cho nhân khẩu có mức thu nhập từ dưới 8 triệu đồng/người/năm đến 12 triệu đồng/người/năm; xác nhận đơn xin miễn giảm học phí cho con em học sinh gia đình nông dân nghèo… chính quyền xã đang dốc sức để kéo tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2011 xuống dưới mức 3%.

M.Nguyễn – Đ.Cường

Tin cùng chuyên mục