Tin về việc trùm khủng bố số 1 thế giới Osama Bin Laden bị tiêu diệt lan truyền nhanh khắp thế giới và được đón nhận như là thắng lợi trong cuộc chiến chống khủng bố của nước Mỹ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Kẻ khủng bố từng gieo rắc kinh hoàng khắp thế giới trong suốt 20 năm qua với những cuộc tấn công cướp đi sinh mạng hàng ngàn người, trong đó có vụ khủng bố tấn công vào nước Mỹ ngày 11-9-2001 làm gần 3.000 người thiệt mạng, cuối cùng đã phải đền tội.
Có thể khẳng định cái chết của thủ lĩnh hàng đầu sẽ tác động đến tâm lý của các thành viên mạng lưới này, đặc biệt việc ông ta bị tiêu diệt bởi lực lượng đặc nhiệm Mỹ sau nhiều tháng bị lần theo dấu vết. Thế nhưng cái chết của trùm khủng bố chưa thể xem là dấu chấm hết cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế, bởi như các chuyên gia cảnh báo, mạng lưới Al Qaeda đang hoạt động rất mạnh ở Yemen, hiện nay đang lan rộng sang Nam Mỹ.
Bên cạnh đó, những tổ chức Hồi giáo cực đoan khác cũng manh nha nổi lên, đe dọa hòa bình thế giới, những tổ chức khủng bố núp dưới danh nghĩa đòi độc lập, đòi dân chủ để giành quyền lực cũng đang gieo rắc cái chết nhiều nơi.
Vì sao? Câu trả lời nằm chính ở chỗ cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.
Sau cuộc tấn công kinh hoàng vào nước Mỹ ngày 11-9-2001, Tổng thống Mỹ khi đó W.Bush đã lấy danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố để đưa quân chiếm đóng Afghanistan rồi sau đó là Iraq. Thế nhưng đã nhiều năm trôi qua, chỉ có mục tiêu lật đổ các chế độ chống Mỹ tại đây thì đạt được, còn mục tiêu tiêu diệt mạng lưới khủng bố và đập tan chủ nghĩa khủng bố quốc tế vẫn chưa đạt được.
Những bằng chứng về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq mà chính quyền của Tổng thống Mỹ G.W.Bush nêu ra như cái cớ xâm lược nước này đã bị phanh phui là ngụy tạo, làm cho niềm tin của dư luận đối với cuộc đấu tranh chống khủng bố của Mỹ ngày càng suy giảm. Những chiến dịch không kích của quân đội Mỹ thường xuyên giết nhầm dân thường Afghanistan đã bôi đen hình ảnh của những người chống khủng bố.
Nguyên nhân thứ hai là trong khi tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, chính quyền Mỹ lại đặt tiêu chuẩn kép cho khủng bố. Nghĩa là những ai chống lại lợi ích của Mỹ thì bị liệt vào khủng bố, nhưng những kẻ khủng bố chống lại một số quốc gia không đi theo quỹ đạo của Mỹ được xem là người đấu tranh cho độc lập, dân chủ.
Đó là trường hợp Mỹ nhiều năm từ chối đưa những tên khủng bố Tresnia ở Nga vào danh sách khủng bố, hay tổ chức khủng bố Việt Tân được Mỹ xem là những người đấu tranh vì dân chủ. Điều này cũng không khác gì việc Mỹ tiếp tay nuôi dưỡng khủng bố.
Dư luận hẳn còn nhớ, chính Bin Laden và những chiến binh Hồi giáo mujahideen ở Afghanistan và sau này biến thành mạng lưới Al Qaeda từng được Mỹ hỗ trợ, cung cấp vũ khí để chống lại quân đội Xô Viết và Liên minh phương Bắc ở Afghanistan do Liên Xô ủng hộ trong những năm 1980.
Thứ ba, Mỹ và các đồng minh thường sử dụng vũ lực, trong đó có việc thao túng Hội đồng Bảo an LHQ để phục vụ cho lợi ích của mình, can thiệp vào công việc nội bộ nước khác. Cuộc chiến Libya trong những ngày qua là bằng chứng hiển nhiên nhất. Chính sách này góp phần tạo nên thái độ chống Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới.
Đứng từ góc độ nào đó có thể nhận định, đó chính là phản ứng phẫn nộ đối với bất công, cường quyền. Đừng quên Osama Bin Laden quay sang chống Mỹ xuất phát từ việc Mỹ cùng liên quân tấn công Iraq vào năm 1991, Mỹ luôn ủng hộ Israel đàn áp người Palestine.
Từ những nguyên nhân trên có thể thấy cuộc đấu tranh chống khủng bố vẫn còn tiếp diễn và đầy thách thức, cộng đồng quốc tế vẫn còn nỗ lực không ngơi nghỉ trong cuộc đấu tranh này. Bao giờ chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa chống khủng bố để can thiệp công việc các nước khác, chấm dứt áp dụng tiêu chuẩn kép cho chủ nghĩa khủng bố, chấm dứt thái độ cường quyền của các nước lớn đối với các nước nhỏ, chấm dứt bất công trong quan hệ quốc tế thì mới có thể hy vọng tuyên bố chiến thắng cuối cùng cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố.
VIỆT TRUNG
- Thông tin liên quan:
>> B. Obama: Osama Bin Laden đã bị tiêu diệt