
Thay cho tình trạng hỗn loạn chính trị nhuốm màu bạo lực kéo dài 3 tuần qua, giờ đây người dân Nepal đổ ra đường ăn mừng chỉ vài giờ sau tuyên bố của quốc vương Gyanendra trên truyền hình tối thứ hai khôi phục lại Quốc hội mà ông đã giải tán năm 2002.
Chính quyền hoàng gia cuối cùng đã nhượng bộ làn sóng phản đối của nhân dân và liên minh 7 đảng đối lập. Sáng thứ ba, trước hàng ngàn người dân vui mừng, nhảy múa trên đường phố, đại diện liên minh đã tuyên bố chỉ định cựu Thủ tướng Gijira Brasad Koirala là người đứng đầu chính phủ.
Cơ cấu chính trị
Năm 1990, vua Birenda đồng ý tiến tới cải cách chính trị rộng rãi bằng cách thành lập quốc hội quân chủ do vua đứng đầu nhà nước và thủ tướng đứng đầu chính phủ. Cơ quan lập pháp Nepal là hệ thống lưỡng viện với Hạ viện và Hội đồng Quốc gia. Hạ viện gồm 205 thành viên do nhân dân bầu cử trực tiếp.

Hội đồng Quốc gia gồm 60 thành viên, trong đó có 10 người do quốc vương chỉ định, 35 người do Hạ viện bầu ra và 15 người còn lại do địa phương bầu. Cơ quan lập pháp có nhiệm kỳ 5 năm, nhưng có thể bị quốc vương giải tán trước khi nhiệm kỳ kết thúc. Chính với quy định này mà nhiều phen chính phủ Nepal bị sụp đổ do quốc vương giải tán quốc hội.
Nội chiến kéo dài
Cuộc nội chiến ở Nepal bắt đầu từ ngày 13-2-1996 thực chất là cuộc xung đột giữa lực lượng chống đối và chính phủ do Đảng Cộng sản Nepal tiến hành với quyết tâm thành lập một “ Nước Cộng hòa Nhân dân Nepal”.
Năm 2001, chính phủ Hoàng gia Nepal bắt đầu triển khai lực lượng quân đội chống lại lực lượng chống đối đang kiểm soát nhiều khu vực trên lãnh thổ. Các cuộc xung đột giữa hai bên đã chặn đường phát triển kinh tế Nepal ở khu vực nông thôn, dẫn đến sự biến đổi sâu sắc và phức tạp xã hội Nepal. Đã có hơn 13.000 người thiệt mạng, khoảng từ 100.000 đến 150.000 người phải sơ tán.
Các chính phủ ở Nepal có khuynh hướng không ổn định cao, không chính phủ nào tồn tại hơn 2 năm, hoặc là sụp đổ do mâu thuẫn nội bộ hoặc do quốc vương giải tán quốc hội. Tuy nhiên, chính trường Nepal thực sự rơi vào bế tắc kể từ khi ông Gyanendra nhậm chức Quốc vương vào tháng 6-2001 sau khi anh trai ông, Quốc vương Birendra bị bắn chết trong một vụ thảm sát ở hoàng cung (do chính con trai trưởng của mình tiến hành).
Ngay sau khi ông nhận chức, các cuộc bạo loạn giữa cảnh sát và lực lượng chống đối liên tục nổ ra tại thủ đô Kathmandu. Tháng 10-2002, Quốc vương Gyanendra sa thải Thủ tướng Sher Bahadur Deuba và toàn bộ chính phủ để giành trọn quyền lực điều hành đất nước và trở thành nước duy nhất trên thế giới duy trì chế độ quân chủ chuyên chế.
Kể từ khi quốc vương thâu tóm quyền lực, quân đội Nepal mất nhiều mặt trận về tay lực lượng chống đối. Sự thất bại trong việc dập tắt làn sóng nổi dậy khu vực nông thôn làm nền kinh tế dựa vào du lịch của Nepal bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến những chỉ trích và phản đối nhắm vào hoàng gia.
Trước Thủ tướng S.B.Deuba, cũng đã có nhiều vị thủ tướng hoặc từ chức hoặc bị ép phải ra đi để mở đường cho các cuộc đàm phán giữa Quốc vương và các đảng đối lập về việc khôi phục chính phủ dân chủ tại thời điểm các cuộc biểu tình đòi lập lại dân chủ tại Nepal dâng cao (như Thủ tướng Lokendra Bahadur Chand được bổ nhiệm hồi tháng 10-2002; Thủ tướng Thapa, 75 tuổi, nhậm chức tháng 6-2003).
Tuy nhiên, tình hình vẫn không khả quan và nội chiến cứ tiếp tục kéo dài và lan rộng. Nếu như trước đây chính phủ kiểm soát chủ yếu các thị trấn, thành phố lớn và các khu vực trung tâm còn lực lượng chống đối có mặt ở khắp các vùng nông thôn, thì trong những năm gần đây, ảnh hưởng của lực lượng chống đối đã lan rộng ra đến nhiều khu vực của thủ đô Kathmandu.
Tháng 9-2005, lực lượng chống đối tuyên bố ngừng bắn đơn phương 3 tháng. Vài tuần sau đó, chính phủ hoàng gia thông báo sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào năm 2007. Tuy nhiên, mọi việc dường như đã quá muộn. Liên minh 7 đảng đối lập quyết tâm lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế. Kể từ đầu tháng 4-2006 họ bắt đầu kế hoạch lật đổ. Đã có 14 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc biểu tình đụng độ với cảnh sát.
Ngày 21-4-2006, Quốc vương Nepal tuyên bố chuyển giao quyền lực cho nhân dân và kêu gọi liên minh 7 đảng chọn người cho chức thủ tướng. Tuy nhiên tuyên bố đã bị các đảng đối lập và người biểu tình bác bỏ vì cho rằng điều này vẫn chưa đủ một khi quyền lực vẫn tập trung trong tay nhà vua. Phe đối lập khẳng định tổ chức bầu cử quốc hội, sửa đổi hiến pháp là con đường duy nhất đưa Nepal đến với dân chủ.
Trong khi chính phủ Hoàng gia Nepal lúng túng, xoay xở để đối phó với lực lượng chống đối, nhượng bộ lực lượng chống đối thì cùng lúc chính phủ này đã đánh mất nhiều sự cảm thông của quốc tế. Phản ứng về cuộc khủng hoảng chính trị trong những ngày tháng 4 vừa qua, Anh và Mỹ - những nước viện trợ cho Nepal - đã hầu như không lên tiếng.
Cuộc sống đang dần trở lại bình thường trên đất nước Nepal – mái nhà của thế giới. Xe buýt, xe taxi lần đầu tiên lưu thông trở lại từ sau ngày 6-4. Cảnh sát chống bạo động vẫn được triển khai tại các góc phố, binh lính cũng luôn sẵn sàng nhưng cuộc sống bình yên dường như đang trở lại. Vẫn còn những quan tâm của liên minh đối lập và người dân chưa được quốc vương đề cập trong tuyên bố của mình, trong đó có việc sửa đổi Hiến pháp hiện dành nhiều quyền cho quốc vương. Thế nhưng, chỉ với việc khôi phục lại quốc hội cũng đã là thắng lợi to lớn của người dân Nepal.
Dân số: 28,3 triệu. |
XUÂN HẠNH tổng hợp