Tuần trước, tại diễn đàn của LHQ về tư vấn và đào tạo các nhà đàm phán của châu Phi, đại diện Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đã nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế tràn đầy lạc quan về tương lai của châu Phi. Châu lục này đang được kỳ vọng sớm trở thành một cực tăng trưởng mới của nền kinh tế toàn cầu.
Thập kỷ qua, trong 10 nước tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới thì có 6 nước thuộc châu Phi. Trong 8 năm qua, châu Phi đã tăng trưởng nhanh hơn cả Đông Á, nơi có 2 nền kinh tế hàng đầu là Trung Quốc và Nhật Bản. Gần đây, đầu tư và giao dịch thương mại châu Á - châu Phi tăng trưởng tích cực, với xu hướng truyền thống là tập trung vào những nguồn lực tự nhiên nên còn bỏ ngỏ nhiều thị trường.
Tập đoàn đa quốc gia Tata - một trong những tập đoàn đa lĩnh vực lớn nhất của Ấn Độ đã sớm tìm thấy cơ hội tiếp cận châu Phi theo nhiều hướng. Xưởng sản xuất xe tải và xe buýt do Tata đầu tư mở ra ở Pretoria, Nam Phi là một ví dụ. Hiện tổng kinh phí đầu tư cho các dự án ở Nam Phi (từ chế tạo ô tô, ngành viễn thông đến sản xuất kim loại, dịch vụ khách sạn) khoảng 1,6 tỷ USD. Thực tế, các quốc gia châu Phi đang nổi lên với vai trò là một thị trường lớn cho hàng hóa Ấn Độ thâm nhập.
Theo số liệu chính thức, kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và châu Phi tăng một cách ngoạn mục từ 5,5 tỷ USD năm 2001 lên đến 45 tỷ USD năm 2010, hai bên đã đề ra mục tiêu nâng giá trị thương mại song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2015.
Cạnh tranh quyết liệt với các công ty Ấn Độ là các tập đoàn Trung Quốc. Đến cuối năm 2010, thương mại châu Phi-Trung Quốc đã đạt 330 tỷ USD, và hiện có hơn 800 công ty Trung Quốc hoạt động trên nhiều lĩnh vực tại châu lục này.
Một trong những tân binh đổ bộ mạnh mẽ vào châu Phi là Hàn Quốc. Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đặt mục tiêu đẩy doanh thu năm 2012 lên 3 tỷ USD và năm 2015 là 10 tỷ USD so với con số 2 tỷ USD hồi năm ngoái. Samsung cho biết, họ đã nhìn thấy nhu cầu gia tăng cho điện thoại thông minh rẻ ở châu Phi. Khảo sát do GSM (đơn vị chuyên khảo sát ngành công nghiệp di động thế giới) công bố gần đây cho thấy, châu Phi là thị trường di động phát triển nhanh nhất trên thế giới và ước tính sẽ đạt 738 triệu thiết bị cầm tay cuối năm nay.
Trong khi đó, những nhà đầu tư và bạn hàng truyền thống của châu Phi là Mỹ và các nước châu Âu cũng đang rất sốt ruột trước làn sóng đầu tư từ Ấn Độ, Trung Quốc… Từ trước đến nay, họ thường đầu tư vào châu Phi với những điều kiện “khó chịu” về nhân quyền, dân chủ theo chuẩn mực phương Tây, trong khi Trung Quốc hay Ấn Độ không đặt điều kiện gì. Trung Quốc hiện là quốc gia cho châu Phi vay nhiều nhất thế giới, cao hơn cả số tiền mà Ngân hàng Thế giới cung cấp cho châu lục đen. Mới đây, nhiều doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đang kêu gọi chính phủ của họ xem xét lại chính sách để giúp họ cạnh tranh với những đối thủ từ các nước đang phát triển.
Gần đây, Công ty kiểm toán quốc tế Ernst & Young đã thực hiện khảo sát với 562 nhà điều hành của các tập đoàn uy tín trên toàn cầu và công bố báo cáo “Thời của châu Phi”. Theo đó, 42% người được hỏi về mục tiêu đầu tư trong thập kỷ tới trả lời sẽ chuyển hướng đầu tư vào châu Phi, 19% khẳng định sẽ củng cố hơn chiến lược đầu tư đang thực hiện ở khu vực này.
Như Quỳnh