Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton mặc dù chưa chính thức công bố ra tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2016 nhưng mọi việc chuẩn bị cho một chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng đã bắt đầu. Báo Washington Post số ra ngày 6-2 cho biết, đội ngũ vận động của bà rất hùng hậu, bỏ xa mọi đối thủ của đảng Cộng hòa. Theo báo này, bà Clinton đang điều hành mọi thứ, từ chiến lược tranh cử đến chiến dịch truyền thông, vai trò của cố vấn, thăm dò dư luận, trọng tâm vận động tranh cử…
It nhất là ở thời điểm hiện tại Bà Clinton không có đối thủ đáng gờm nào trong đảng Dân chủ nhưng bà vẫn chờ đợi thêm nhiều điều kiện chín muồi khác để công bố tranh cử. Điều đáng chú ý là các nỗ lực của bà ở giai đoạn này rất giống với chiến dịch tái tranh cử của tổng thống đương nhiệm vì bà hỗ trợ hầu hết các chính sách của Tổng thống Barack Obama cùng việc tuyển thêm nhiều trợ lý cũ của ông. Trong số này có Jim Messina, kiến trúc sư trưởng chiến dịch tranh cử của ông Obama giúp ông đánh bại bà Clinton vào năm 2008. Có thể nói, phần lớn bộ máy vận động cho ông Obama trước đây đang giúp bà Clinton. John Podesta hồi giữa tháng 1 đã rời Nhà Trắng để gia nhập đội ngũ của bà Clinton và dự kiến sẽ trở thành chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà. Còn Giám đốc truyền thông của Nhà Trắng Jennifer Palmieri dự kiến sẽ đảm nhận chức danh tương tự cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton vào tháng 3 hay tháng 4. Nhiều người khác hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nghiên cứu, kỹ thuật số, chính trị,… từng làm việc cho ông Obama cũng gia nhập đội ngũ bà Clinton. Joel Benenson, một nhà thăm dò dư luận nổi tiếng thời Obama giờ đây là cố vấn trưởng của bà Clinton. Ngoài ra, Palmieri và Podesta đều có mối quan hệ tốt báo chí.
Mặc dù vậy, chiến dịch của bà Clinton hẳn sẽ có nhiều điểm khác biệt với chính sách của ông Obama như bà đã từng công bố gần đây ở Canada. Theo New York Times, bà Clinton cho biết chính sách kinh tế của bà tập trung vào việc nâng mức lương tối thiểu, đầu tư cơ sở hạ tầng, chấm dứt lỗ hổng về thuế doanh nghiệp và cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu. Ngoài ra, còn một số ý tưởng khác mới hơn, chẳng hạn như ưu đãi cho các doanh nghiệp biết tăng cường chia sẻ lợi nhuận với người lao động và thay đổi luật lao động để giúp cho công nhân có quyền nhiều hơn trong thương lượng với giới chủ.
Trong một cuộc thăm dò tiến hành hồi tháng 1, hơn 67% người Mỹ cho biết họ không hài lòng với mức thu nhập và tái phân phối của cải tại Mỹ. Còn nhớ, trong kỳ bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2008, bà Clinton cũng đã đúc kết chính sách này bằng một thông điệp: “Nếu bạn làm việc chăm chỉ, tuân thủ luật pháp, bạn có thể tiến về phía trước”. Điều này đã gây được tiếng vang đối với các cử tri thuộc tầng lớp lao động.
Mặc dù kế hoạch kinh tế của bà Clinton mang nặng tính dân túy nhưng cử tri thuộc tầng lớp lao động từng cảm thấy bị phản bội vào năm 1996. Khi đó, trong vai trò đệ nhất phu nhân, bà ủng hộ cải tổ hệ thống phúc lợi xã hội, trong đó cho phép ông Clinton cắt giảm chi tiêu liên bang về hỗ trợ cho người nghèo gần 55 tỷ USD.
THỤY VŨ