Cát là một trong những nguồn tài nguyên cần thiết nhất đối với đời sống của loài người. Để bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ của nhân loại ngày càng lớn, các nhà cung cấp cát đang lao vào một cuộc chạy đua giành nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Hậu quả kèm theo là từ Âu sang Á, mạng lưới buôn lậu cát ngày càng tung hoành.
Khi nói đến công nghiệp khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mọi người nghĩ ngay đến những mỏ vàng, kim loại, dầu khí... mà ít người nghĩ đến những mỏ cát trên thế giới. Nhưng đây lại là thị trường trị giá 200 tỷ USD/năm. Christian Buchet, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về biển, Trường Công giáo Paris, cho hay ngoài dùng để xây dựng, khoáng chất trong cát được sử dụng làm rất nhiều việc, hiện diện trong gần như mọi vật thể xung quanh chúng ta, từ cốc, chén, phân bón hay thuốc đánh răng, lốp xe hơi... Chính vì thế, buôn cát là một dịch vụ hái ra tiền.
Cát có ưu thế là nhiều, dễ khai thác và rẻ. Giá 1 tấn cát dao động 8 - 12USD. Các tập đoàn khai thác có thể xúc cát từ lòng đại dương, sông ngòi hay các mỏ cát. Tuy nhiên, Pascal Peduzzi, Giám đốc khoa học thuộc Chương trình bảo vệ môi trường của Liên hiệp quốc, nhấn mạnh khai thác cát đang tàn phá môi trường. Khi tàn phá một dòng sông, tất cả những ngôi làng xung quanh, tất cả những cư dân sống nhờ vào con sông đó bị đe dọa; họ phải bỏ làng đi nơi khác kiếm sống và thường thì về sống ở thành thị. Điều này đồng nghĩa với việc phải có nhà ở cho những người này.
Các công trình xây dựng đó đòi hỏi nhiều cát. Trái đất đang nóng lên và hiện tượng biến đổi khí hậu đã và đang dẫn đến nhiều vấn đề như ô nhiễm không khí, và đa dạng sinh thái bị đe dọa, nhưng chúng ta không ngờ là phải giải quyết thêm một vấn đề khác xuất phát từ việc khai thác cát đến cạn kiệt.
Chuyên gia Peduzzi lo ngại khi thấy một số quốc gia tại Đông Nam Á như Campuchia, Philippines hay Myanmar, xem ngành xuất khẩu cát là một trong những cột trụ để phát triển. Một bài phóng sự của báo Les Echos hồi tháng 2-2018 cho thấy tại khu rừng tràm Koh Sralao (Campuchia), các hoạt động khai thác cát trong khu vực bảo tồn thiên nhiên này tăng nhanh trong những năm gần đây. Hậu quả kèm theo là có 70% đến 90% các loại thực vật bị tuyệt chủng.
Ý thức được mối đe dọa đối với môi trường, các nước xuất khẩu cát như Campuchia đã ban hành một loạt các lệnh cấm hoặc giới hạn khai thác và xuất khẩu nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Tuy nhiên, khai thác cát lậu vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với những đường dây khai thác hoạt động như mafia. Điều tra của nhóm phóng viên đài Radio France hồi tháng 5-2019 xoáy vào trường hợp của bang Uttar Pradesh, miền Nam Ấn Độ. Đây là nơi mà tháng 6-2015, một nhà báo độc lập điều tra về một đường dây khai thác cát bất hợp pháp đã bị sát hại.
Gần đây nhất, nữ phóng viên Sandhya Ravishankar ở Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, bị đe dọa tính mạng vì một loạt các bài phóng sự của bà liên quan đến những hoạt động mờ ám của Tập đoàn VV Mineral. Qua các bài phóng sự đó, nhà báo điều tra này cho thấy đường dây buôn cát lậu tại Ấn Độ hoạt động theo kiểu “mafia Italy”, được các quan chức trong chính quyền ở mỗi bang bao che. Người đứng đầu đường dây đã mua chuộc từ cảnh sát đến các quan tòa.