Cuộc đua giành nguồn nhiên liệu thay thế dầu từ Iran

Hôm nay 4-2, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak bắt đầu chuyến công du kéo dài 1 tuần tới Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông như Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Nguồn dầu mỏ Iran bị cấm vận và khả năng quốc gia Trung Đông này bị tấn công vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi đang đẩy thế giới bước vào một cuộc đua mới – cuộc đua đa dạng nguồn nhiên liệu thay thế nguồn dầu mỏ của Iran bị phương Tây bao vây.
Cuộc đua giành nguồn nhiên liệu thay thế dầu từ Iran

Hôm nay 4-2, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak bắt đầu chuyến công du kéo dài 1 tuần tới Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông như Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Nguồn dầu mỏ Iran bị cấm vận và khả năng quốc gia Trung Đông này bị tấn công vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi đang đẩy thế giới bước vào một cuộc đua mới – cuộc đua đa dạng nguồn nhiên liệu thay thế nguồn dầu mỏ của Iran bị phương Tây bao vây.

  • Từ những chuyến đi bảo đảm nguồn cung dầu mỏ

Hàn Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ 5 thế giới, chiếm khoảng 10% lượng dầu xuất khẩu của Iran. Mặc dù trong bối cảnh ngành xuất khẩu dầu mỏ Iran đang bị cấm vận, Seoul vẫn chưa cắt giảm nhập khẩu dầu thô từ Iran do những lo ngại về tác động kinh tế. Tuy nhiên, về lâu dài, Hàn Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á, chắc chắn sẽ giảm lượng dầu thô nhập từ Iran, ủng hộ các nỗ lực do Washington dẫn đầu nhằm cấm vận Tehran.

Hồi giữa tháng 1, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng đã có chuyến thăm Trung Đông 6 ngày, nhằm thắt chặt quan hệ với các cường quốc năng lượng ở đây. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã có các cuộc hội đàm song phương với lãnh đạo các nước Ảrập, trong đó việc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc là vấn đề chủ chốt của chương trình nghị sự.

Nền kinh tế bùng nổ của Trung Quốc đang ngày một trở nên phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nước ngoài, trong đó, Iran cung cấp 11% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. Saudi Arabia hiện là nguồn cung dầu thô lớn nhất của Trung Quốc. Bắc Kinh hy vọng có thể vượt lên Mỹ để trở thành bạn hàng dầu mỏ lớn nhất Saudi Arabia. Qatar gần đây cũng trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất cho Trung Quốc.

Hơn 150 năm kể từ ngày được phát hiện, dầu vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Hơn 150 năm kể từ ngày được phát hiện, dầu vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

  • Đến việc “lách Mỹ” để tiếp tục mua dầu từ Iran

Sau khi Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu hàng thứ 4 trên thế giới, tuyên bố không thể xoay xở nếu không có dầu thô của Iran (đối tác cung cấp 12% lượng dầu thô nhập khẩu hàng năm của Ấn Độ) và sẽ tiếp tục mua dầu thô của Iran bất chấp các động thái của Mỹ và EU tăng cường cô lập Iran. Tehran đã đồng ý để Ấn Độ thanh toán 45% trị giá dầu thô mua của Iran bằng đồng rupee. Phần còn lại có thể được thanh toán bằng vàng.

Theo Indian Express, số tiền này được chuyển qua một ngân hàng của Ấn Độ, không phải chịu các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tin cho biết Ấn Độ và Iran đã chọn Ngân hàng UCO có trụ sở tại thành phố Kolkata, miền Đông Ấn Độ, để thực hiện giao dịch bằng đồng rupee trong thanh toán một phần chi phí nhập khẩu dầu Iran hàng năm trị giá 12,68 tỷ USD.

Tiếp sau Ấn Độ, Trung Quốc cũng nghiên cứu khả năng thanh toán bằng vàng cho dầu thô nhập khẩu từ Iran. Đây là biện pháp bắt buộc vì Washington đã mở rộng lệnh trừng phạt đối với Iran bao gồm biện pháp trừng phạt các ngân hàng của các quốc gia thứ ba nếu họ sử dụng đồng USD để trao đổi thương mại với Iran. Hiện Iran bán cho Ấn Độ và Trung Quốc khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày.

  • Giá dầu sẽ tăng lên 150 USD/thùng?

Liên minh châu Âu (EU) sẽ ngưng nhập khẩu dầu của Iran từ tháng 7 để tạo áp lực buộc Tehran phải ngưng chương trình tinh chế uranium. Mỹ hy vọng các quốc gia khác sẽ theo gót EU, trong đó có các nước đồng minh chính của Mỹ tại Đông Á là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngày 4-2, giá dầu thế giới là 96,6 USD/thùng trong bối cảnh Iran tuyên bố ngừng xuất khẩu dầu mỏ cho một số nước EU và cảnh báo rằng cuộc cấm vận có thể khiến giá dầu tăng tới 50%.

Giới chức Iran dự đoán giá dầu thế giới sẽ tăng lên đến 150 USD và tuyên bố sẽ không ngồi yên trước lệnh trừng phạt của các nước thù địch và sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt khác đối với họ bên cạnh việc ngừng cung cấp dầu mỏ cho châu Âu.

Ông Mohammed Karim Abedi, một nghị sĩ Iran, nói thêm rằng lệnh cấm vận cung cấp dầu mỏ Iran cho EU sẽ kéo dài 5 - 15 năm.

Ngày 3-2, trong một bài phát biểu với các tín đồ phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei cho rằng Iran được hưởng lợi từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, bởi các biện pháp trừng phạt đó đã giúp phát huy những tiềm lực và thúc đẩy phát triển trong nước của Iran. 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục