Cuộc đua mới ở Afghanistan

Ngày 10-5, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đồng ý đề nghị của Washington cho Mỹ duy trì 9 căn cứ quân sự tại Afghanistan. Tuyên bố của ông Karzai đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn trong đời sống chính trị tại Kabul, dù đến cuối năm 2014, Mỹ sẽ rút quân khỏi nước này sau hơn một thập niên phát động chiến tranh và chiếm đóng Afghanistan.

Thông tin này sẽ rất bình thường nếu như dư luận gần đây không ồn ào về việc Nga cũng đang tìm lại chỗ đứng tại quốc gia Trung Á. Động thái trên của Kabul sẽ tạo sự tranh giành ảnh hưởng giữa 2 ông lớn Washington và Mátxcơva.

Việc quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện tại Afghanistan đã được dự báo trước. Trước đó, nhiều tướng lĩnh của Mỹ đã đề nghị Nhà Trắng tiếp tục đóng quân tại Afghanistan nếu không muốn nỗ lực chống khủng bố trong suốt thập niên qua thành công cốc. Một số khu vực tại Afghanistan, nơi lực lượng nước ngoài rút quân, đã xuất hiện lực lượng của Al Qaeda hay Taliban. Nhưng có lẽ Mỹ lo ngại nhất vẫn là việc báo chí gần đây cảnh báo: Việc Mỹ rút quân khỏi Aghanistan sẽ đẩy Trung Á vào tay Nga.

Mỹ tiếp tục duy trì ảnh hưởng tại Afghanistan không chỉ giúp nước này đứng chân tại Trung Á, mà còn hỗ trợ chiến dịch chống khủng bố của Mỹ hiện nay đang dịch chuyển về phía Pakistan. Nếu không có căn cứ quân sự tại Afghanistan, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào các khu vực bộ lạc ở Pakistan cũng có thể phải chấm dứt vì quan hệ giữa Mỹ-Pakistan không còn mặn nồng như xưa.

Trên thực tế, Nga đang trong nỗ lực quay lại vùng đất cũ. Nga muốn thiết lập tiền đồn tại Afghanistan bởi các lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Tajikistan và Uzbekistan trỗi dậy đang đe dọa an ninh của Nga. Nếu Nga có được tiền đồn Afghanistan, Mátxcơva sẽ chủ động ngăn chặn được những đe dọa từ các quốc gia giáp biên giới với Kabul.

Vừa qua, Mỹ đã mua 70 máy bay trực thăng Mi-17 của Nga trị giá 17 triệu USD để trang bị cho quân đội Afghanistan và đang lên kế hoạch mua thêm 30 chiếc nữa. Việc Mỹ mua khí tài của Nga xuất phát từ việc Afghanistan quen sử dụng các vũ khí của Nga. Fyodor Lukyanov, biên tập viên tờ Russia in Global Affairs, cho rằng Afghanistan sẽ đem lại mối lợi lớn về kinh tế cho Nga thông qua bán vũ khí và các dự án khai thác tài nguyên. Rosneft, tập đoàn năng lượng của Nga, đang khai thác các mỏ khí đốt với trữ lượng lớn ở phía Bắc Afghanistan, trong khi các công ty khai khoáng của xứ Bạch Dương cũng đang khai thác sắt, nhôm tại quốc gia Trung Á.

Không chỉ vậy, Afghanistan là mắt xích yếu nhất trong mối quan hệ giữa Nga với các nước Trung Á, nhưng là mắt xích chắc nhất trong mối quan hệ giữa Mỹ với các nước này. Có lẽ Nga không cần Afghanistan phải nghiêng hẳn về Nga, nhưng tái thiết lập quan hệ nồng ấm với nước này cũng đủ giúp Mátxcơva khôi phục vững chắc vị thế ở Trung Á.

Một trong những chính sách quan trọng của Tổng thống Nga V.Putin là xây dựng một Liên minh Á-Âu dựa trên hợp tác kinh tế. Với chính sách hướng Đông, các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ, giáp biên giới Afghanistan, luôn được Nga quan tâm. Chính vì vậy, duy trì sự ổn định tại Afghanistan sẽ là chìa khóa giúp Nga đạt được các mục tiêu khác trong khu vực. Không phải ngẫu nhiên, mới đây một đội bóng đá gồm các cựu chiến binh Nga đã sang đá giao hữu với đội bóng của một TP ở Afghanistan. Động thái cho thấy rõ Mátxcơva muốn xích lại gần hơn nữa với Kabul.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục