Cuộc khủng hoảng từ Pegasus

17 tờ báo lớn trên thế giới vừa công bố kết quả điều tra cho thấy điện thoại thông minh của 37 chính trị gia, giám đốc điều hành doanh nghiệp, nhà báo và các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới đã bị theo dõi, thu thập dữ liệu thông qua phần mềm độc hại Pegasus do Công ty tư nhân NSO của Israel phát triển. 
Ứng dụng Pegasus cho phép người theo dõi có thể tiếp cận ổ cứng của điện thoại, xem ảnh, video, thư điện tử, tin nhắn, ghi âm, định vị...
Ứng dụng Pegasus cho phép người theo dõi có thể tiếp cận ổ cứng của điện thoại, xem ảnh, video, thư điện tử, tin nhắn, ghi âm, định vị...

Nhiều đối tượng trong nhiều lĩnh vực bị theo dõi

Cuộc điều tra chỉ ra, nhiều chính phủ đã sử dụng phần mềm của NSO Group - công ty giám sát an ninh mạng quy mô lớn tại Israel - để theo dõi các nhà báo, nhà hoạt động và chính trị gia có quan điểm đối lập. Kết quả cuộc điều tra đã gây chấn động khi được công bố đồng loạt trên truyền thông vào sáng 19-7. Theo đó, 37 số điện thoại trên nằm trong hơn 50.000 số điện thoại di động đến từ hơn 50 quốc gia được cho là thuộc diện đối tượng được các khách hàng của NSO quan tâm từ năm 2016. 

Tổ chức Ân xá quốc tế và tổ chức phi chính phủ Forbidden Stories (có trụ sở tại Paris, Pháp) là những đơn vị đầu tiên có được bản danh sách trên, sau đó đã chia sẻ với báo giới để bí mật thực hiện cuộc điều tra với tên gọi “Dự án Pegasus”.

Theo tờ The Guardian, ứng dụng Pegasus của NSO cho phép người theo dõi có thể tiếp cận ổ cứng của điện thoại, xem ảnh, video, thư điện tử, tin nhắn... Phần mềm này còn được dùng để ghi âm các cuộc hội thoại được thực hiện trên chính chiếc điện thoại bị xâm nhập và định vị nơi chủ nhân điện thoại lui tới. Tuy nhiên, không phải tất cả những người nằm trong danh sách này sau đó đều bị tấn công mạng. 

Các phóng viên điều tra đã xác minh được hơn 1.000 cá nhân tại 50 quốc gia đã bị các khách hàng của NSO dùng mã độc này nhắm tới. Trong số 1.000 cá nhân đó, theo báo Washington Post, có 189 nhà báo, hơn 600 chính trị gia và quan chức chính phủ, ít nhất 65 lãnh đạo doanh nghiệp, 85 nhà hoạt động nhân quyền, học giả và nhiều nguyên thủ quốc gia ở các nước Azerbaijan, Bahrain, Hungary, Ấn Độ, Kazakhstan, Mexico, Morocco, Rwanda, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Các nhà báo bị theo dõi đang làm việc cho các hãng thông tấn, báo chí như Associated Press (AP), Reuters, CNN, Wall Street Journal, Le Monde và Financial Times, France 24, Bloomberg, The Economist... Trong số các cây bút nổi tiếng có nhà báo Roula Khalaf của tờ Financial Times, nhà báo người Mexico Cecilio Pineda Birto, người từng bị bắn trên đường.

Còn nhiều ẩn số

Theo cáo buộc từ nhóm các tờ báo lớn kể trên, quy mô phần mềm NSO được sử dụng lớn hơn rất nhiều. Trong phản ứng của mình, công ty phát triển phần mềm gián điệp hàng đầu ở Israel - NSO cho rằng các thông tin trên là vô căn cứ và bị thổi phồng, đồng thời khẳng định Pegasus được bán cho “các cơ quan chính phủ đã có kiểm chứng” để dùng chống khủng bố và phòng ngừa tội phạm.

NSO cho biết khách hàng của mình gồm 60 cơ quan tình báo, quân đội và các cơ quan hành pháp tại 40 quốc gia. Tuy nhiên, NSO sẽ không xác nhận danh tính của các khách hàng và cân nhắc sẽ kiện các báo tội phỉ báng.

Những cáo buộc mới nhất này sẽ gây tổn hại thêm đến hình ảnh công ty vì chỉ mới vài tuần trước, NSO đã công bố một “báo cáo minh bạch” đầu tiên, nêu chi tiết về chính sách và cam kết về nhân quyền. Hiện cũng đang có nhiều ẩn số trong các cáo buộc, bao gồm việc danh sách này từ đâu đến, có bao nhiêu số điện thoại đã được nhắm đến.

Kết quả điều tra cũng cho thấy có Maroc, Hungary nằm trong số các nước sử dụng phần mềm này. Maroc bị cáo buộc thu thập thông tin của các nhân vật chỉ trích Maroc ở trong nước và cả ở Pháp - nơi Maroc từng là thuộc địa.

Ngay lập tức Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng vụ bê bối này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” nếu đây là sự thật và yêu cầu phải được xác minh.Tại Pháp, phát biểu trên đài phát thanh, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho rằng nước này đã bị xúc phạm sau khi có thông tin cơ quan tình báo Maroc đã sử dụng một phần mềm độc hại của Israel để do thám hàng chục nhà báo Pháp, đồng thời gọi những điều được truyền thông tiết lộ là “cực kỳ sốc”. Tuy nhiên, Maroc và Hungary đã phủ nhận thông tin sử dụng phần mền gián điệp Pegasus của Israel để theo dõi các nhân vật chỉ trích ở trong và ngoài nước. 

Trước thông tin trên, Chính phủ Israel cũng đối mặt với áp lực quốc tế vì cho phép công ty NSO làm ăn với nhiều cơ quan công quyền sử dụng phần mềm vì mục đích sử dụng ngoài phạm vi nhắm vào mục tiêu tội phạm và khủng bố. Hiện tại, Văn phòng Thủ tướng Israel từ chối bình luận.

Cuộc điều tra chưa tiết lộ bên nào dùng phần mềm này hay lý do làm điều đó là gì, nhưng nó đang phơi bày một thực trạng thiếu kiểm soát các phần mềm theo dõi trên thế giới. Thông tin cụ thể về các nạn nhân và nhiều cái tên của các yếu nhân khác dự kiến sẽ tiếp tục được các tờ báo lớn công bố trong những ngày tới.

Tin cùng chuyên mục