Nhận lời mời của Công ty JTI Việt Nam, tôi có mặt tại Thượng Hải (Shanghai), thành phố lớn nhất Trung Quốc và thứ tư thế giới vào chiều 29-9, hai ngày trước khi khai diễn vòng đua xe hơi Thể thức 1 “Sinotec Chinese Grandprix 2006”. Vốn là khách VIP của đội đua đương kim vô địch thế giới Renault, nên tôi và các đồng nghiệp được tạo mọi điều kiện sinh hoạt, ăn ở khách sạn 5 sao và tác nghiệp ở tiêu chuẩn cao nhất.

Michael Schumacher (Ferrari ) đang vượt qua “kẻ ngáng đường” Giancarlo Fisichella của đội Renault.
Đúng 12 giờ trưa 1-10, tôi có mặt tại Shanghai Circuit, nằm ở khu vực nông thôn rộng lớn, cách thành phố hơn 1 giờ đồng hồ xe hơi. 400 triệu USD đã được chính phủ Trung Quốc bỏ ra để xây dựng đường đua, cũng như 40 triệu USD hàng năm đóng cho Liên đoàn đua xe hơi quốc tế (FIA) để được quyền tổ chức một trong 18 vòng đua trong năm.
Đổi lại, nước chủ nhà thu tiền bán vé (từ 100 USD đến 400 USD)/ vé), tiền bản quyền truyền hình và thu các phí phục vụ khác từ các đội đua, cơ quan truyền thông, v.v… Do mới bước sang năm tổ chức thứ ba, nên chưa thể xác định Thượng Hải thu đủ vốn chưa, nhưng nếu theo kinh nghiệm của đường đua Sepang, Malaysia thì ngày đó không còn xa.
3 sai lầm làm nhà vô địch thua trận
Trước khi diễn ra vòng đua thứ 16, Fernando Alonso và đội đua Renault đang là nhà vô địch thế giới năm 2005, tạm dẫn đầu bảng xếp hạng cả về tay đua (đạt 108 điểm, hơn cựu vô địch thế giới Michael Schumacher 2 điểm) và xếp nhì giải dành cho nhà sản xuất (Contructor), cách gọi như giải đồng đội, với 165 điểm, kém Ferrari 3 điểm. Vì vậy, vòng đua này được giới chuyên môn đánh giá sẽ rất gây cấn.

Michael Schumacher mừng chiến thắng.
Tại vòng đấu loại, cả hai tay đua đội Renault Alonso và Giancarlo Fisichella xếp nhất nhì, nên tạo lợi thế lớn trong xuất phát ở ngày thi đấu chính thức. Trong khi đối thủ của họ là Schumacher xếp ở vị trí số 6. Lợi thế này của Renault thể hiện rõ rệt ở 12 vòng đầu tiên, khi Fisichella luôn án ngữ phía sau, tạo cơ hội cho Alonso gia tăng khoảng cách với Schumacher và nhóm sau từ 6 giây đến 25 giây.
Đáng tiếc, ở thời điểm này, đội Renault phạm liền 3 sai lầm, xóa tan ưu thế mà họ tạo được lúc đầu. Vòng 16, cú vào cua ngoặc bên phải của Alonso quá gắt làm tay lái của anh lạng quạng, tiêu mất 4 giây. Vòng 35, trước sức tấn công quyết liệt của Schumacher, “kẻ ngáng đường” Fisichella đành “đầu hàng”, tạo cơ hội cho tay đua lão luyện người Đức lách qua, vượt lên “phả hơi nóng” sau gáy Alonso.
Song, đáng tiếc nhất và khó hiểu nhất là sự cố tại Pit Stop (trạm dừng bảo dưỡng trên đường đua của các đội) lần hai, vòng 41 của Alonso. Do thay sai loại bánh chuyên dụng bên phải bằng bánh trái, nên thời gian dừng của tại trạm của Alonso lên đến con số “kỷ lục”: hơn 19 giây (thông thường con số cho phép từ 6 giây đến 12 giây là tối đa). Alonso rơi xuống vị trí thứ 6 và phải khổ ải “cày” liên tục 15 vòng, mới quay lại vị trí nhóm đầu, nhưng không tài nào đuổi kịp Michael Schumacher có một ngày thi đấu quá xuất sắc.
Michael Schumacher về nhất với thành tích 1 giờ 14 phút 51 giây 975, sau 53 vòng đua (5,4 km/vòng). Alonso về nhì, chỉ kém 3.1 giây và đồng đội Fisichella về ba, kém 44.1 giây. Với thành tích này, Michael Schumacher ghi thêm được 10 điểm, trong khi Alonso thêm 8 điểm và cả hai cùng chia nhau ngôi đầu bảng, với 116 điểm.
Trong khi đó, nhờ Fisichella về thứ ba, cộng thêm 6 điểm, nên đội Renault đạt tổng điểm 179 điểm, vượt qua Ferrari đúng 1 điểm trên bảng xếp hạng đồng đội.
Vòng đua Fukuoka tại Tokyo, Nhật Bản diễn ra vào cuối tuần này.
Linh Giao (Thượng Hải,Trung Quốc)