Không phải ngẫu nhiên mà tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi bàn về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tỏ ra rất nóng lòng chờ đợi dự án luật này đi vào cuộc sống. Chưa đầy một tuần sau khi kết thúc kỳ họp, theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, từ đầu năm đến hết tháng 11-2016, cả nước có 101.683 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới - con số cao nhất từ trước đến nay và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, cùng kỳ, số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động cũng tăng mạnh và tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của số doanh nghiệp thành lập mới.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhờ hiệu quả bước đầu của “khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển”, số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 11 tháng cũng tăng tới 23,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi con số này của tháng 11-2015 giảm 2,2%. Trong số 10.468 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 11 tháng, có tới 93,3% là doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, thuộc nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Vẫn biết việc doanh nghiệp ra đời, tham gia thị trường và giải thể là những chuyển động bình thường trong nền kinh tế, song số lượng doanh nghiệp giải thể tăng mạnh cho thấy mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đang ngày càng gay gắt, nhất là với các DNNVV - chiếm tới trên 97% số doanh nghiệp đang hoạt động tại nước ta. Từ góc độ tài chính doanh nghiệp, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 11 tháng năm 2016, tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế là 2.261,6 ngàn tỷ đồng, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,5%. Tăng mạnh nhất cả về số lượng và quy mô vốn là các ngành cần vốn đầu tư lớn, như bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp chế biến và chế tạo. Chẳng hạn như kinh doanh bất động sản tăng 95,6% về số doanh nghiệp nhưng tăng tới 221,2% về vốn đăng ký.
Có vẻ như các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường sẽ phải tăng vốn để cạnh tranh, hoặc cam chịu giải thể, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Nắm bắt được thực tế này, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp vừa qua đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các ngân hàng, doanh nghiệp lớn cho vay, hỗ trợ DNNVV. Nhưng cũng không thể khuyến khích tinh thần “suông” mãi được. Theo các chuyên gia kinh tế, để giá vốn rẻ hơn và DNNVV tiếp cận vốn dễ dàng hơn, thì bên cạnh việc thiết lập và vận hành hiệu quả Quỹ hỗ trợ DNNVV, một kênh dẫn quan trọng cần khai thông là cho phép thế chấp bằng động sản (chứng từ mua bán, các khoản phải thu, phải trả, sở hữu trí tuệ, thương quyền…) đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Ngoài ra, để các doanh nghiệp này có thể có lãi và tích lũy, cần giảm một số thuế, như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT)…
Cần nói thêm rằng, số tiền thuế và phí mà các DNNVV tư nhân đã nộp cho Nhà nước đã tăng 18,4 lần trong 10 năm trở lại đây. Sự đóng góp của khối này là hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh nguồn thu từ các DNNN đang đà suy giảm: trong 11 tháng năm 2016 chỉ đạt 176.600 tỷ đồng, bằng 68,9% dự toán năm và chắc chắn không thể đạt kế hoạch năm, khi chỉ còn không đầy 1 tháng nữa là năm 2016 sẽ chính thức khép lại.
ANH THƯ