Cuộc thi Prudential - Văn hay chữ tốt do Báo SGGP và Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam diễn ra hàng năm.
Ý nghĩa to lớn mà cuộc thi khát vọng vươn tới là góp phần khôi phục truyền thống văn hóa của cha ông qua việc tôn vinh tiếng nói, chữ viết của dân tộc và khơi gợi phong trào cùng yêu thích môn văn học trong nhà trường phổ thông. Nhân kỷ niệm 15 năm cuộc thi, chúng ta cùng nhìn lại để cảm nhận rõ hơn tâm hồn của các thí sinh qua một số bài văn đoạt giải…
Chủ đề lớn, mẹ và quê hương
Cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 17-10 đến 9-11-2000, qua các vòng thi cấp trường, quận huyện và TP. Với đề bài: “Em đã có một kỷ niệm sâu sắc đối với gia đình (ông bà, cha mẹ, anh em); với thầy cô, bạn bè; với TP hay một vùng quê thân yêu và gần gũi của mình. Kỷ niệm ấy đã giúp em trưởng thành, khôn lớn, để biết sống nhân ái và tốt đẹp với mọi người. Em hãy kể lại một trong những kỷ niệm đáng nhớ đó”.
Vượt qua 66 thí sinh được tuyển chọn vào vòng thi cấp TP năm ấy, thí sinh Lê Nguyễn Thùy Trang, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp đã đăng quang giải nhất với bài viết rung động lòng người. Mở đầu bài viết, em dẫn dắt người đọc vào câu chuyện kể về một chuyến thăm quê đầy kỷ niệm: “Con tàu Thống Nhất trong chuyến hành trình Nam - Bắc lao đi, xé toạc màn đêm bao trùm vạn vật. Ngồi trên tàu, tôi vẫn không tài nào chợp mắt được. Đây là lần đầu tiên tôi được bà đưa về thăm quê nội. Tôi là đứa con của miền Nam quanh năm nắng cháy nhưng cũng là đứa con của miền Bắc bốn mùa tươi xanh. Tôi may mắn cất giữ trong tim tình cảm dành cho cả hai quê hương, bởi quê cha tôi ở Nam Định, còn quê mẹ ở Sài Gòn. Từ bé sống ở TPHCM nên tôi chỉ hình dung quê nội qua lời kể của bà và cha. Bây giờ mới có dịp về thăm nên hai tiếng “quê hương” thiêng liêng cứ làm tôi nao nao chi lạ!” Cảm xúc cứ thế lớn dần lên theo suốt chuyến đi, người đọc bị cuốn hút bởi lối kể chuyện nhẹ nhàng, hấp dẫn mang đậm chất thơ từ đầu cho đến cuối bài. Lời kết bài viết, Lê Nguyễn Thùy Trang bộc bạch: “Em chỉ muốn nói với các bạn rằng, quê em cũng như bao miền quê khác, nhưng trong em, quê nội sẽ là một miền quê sâu sắc nhất, một miền quê không giống bất cứ miền quê nào trong sách vở”.
Học sinh THCS huyện Bình Chánh, TPHCM trước giờ dự thi Prudential - Văn hay chữ tốt cấp quận, huyện năm 2014. Ảnh: HỒNG VÂN
Đọc lại những bài viết của thí sinh đoạt giải các cuộc thi những năm sau, chúng ta có thêm cơ sở để nhìn nhận, đánh giá về tình cảm, tâm hồn, suy nghĩ của “tuổi mới lớn”. Mỗi bài viết là một mảnh đời riêng, chứa đựng biết bao niềm vui, nỗi buồn, khát vọng về một mái ấm gia đình hạnh phúc; về những tiếc nuối qua bao kỷ niềm đầu đời… Tất cả đã làm sáng lên chân giá trị về cuộc sống con người: vẫn còn đó những tấm lòng nhân hậu, hiếu thảo; biết chắt chiu, gìn giữ những điều tốt đẹp nhất được xây đắp từ cội nguồn cha ông…
Nguyễn Thị Bích Trang (học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Lợi, quận 3), đoạt giải nhất cuộc thi lần 3 viết: “Hình ảnh mẹ tảo tần mưa nắng, hình ảnh mẹ như một cô tiên mang hạnh phúc cho cuộc đời con”. Trong suy nghĩ miên man, em như được sống lại tuổi thơ trong vòng tay âu yếm của mẹ qua từng lời ru ngọt ngào, thắm đượm lòng nhân. Em tự lý giải nỗi niềm từ lời ru ấy: “Chính lời ru của mẹ đã mang đến cho trái tim con một dòng chảy vô tận của tình thương, một dòng máu thiêng liêng từ trái tim người mẹ, để mai này, khi đi xa, con vẫn biết hướng về đất mẹ bao la, hướng về một mảnh tình quê… Ngày trước, nhìn những bước chân chập chững của con mẹ mừng vui bao nhiêu thì giờ đây, mỗi bước chân con trên đường đời lại là từng nỗi lo lắng của mẹ hiền… Bao năm con cứ non nớt, vô tư, hồn nhiên bước qua tuổi thơ của mình, con nào biết được đó cũng là lúc con từng giờ bước qua chính cuộc đời mẹ. Giờ đây, khi giật mình nhìn lại… mới hay mình quá vô tình. Giá như mẹ mãi mãi suốt đời bên con. Giá như thời gian không lấy đi sức lực của mẹ! Giá như…”.
Hãy nghe Lê Vân (học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Du, Gò Vấp), đoạt giải nhất cuộc thi lần 2 năm 2001 tả về quê nội của mình: “Chiều hôm ấy, cô dẫn tôi đi thăm núi Thiên Ấn. Ngọn núi sừng sững giữa đồng bằng như một cái bát úp; núi đứng uy nghi, khổng lồ. Không biết có tự bao giờ và ai đặt cho cái tên Thiên Ấn nhưng từ khi mọi người biết đến, nó đã có nghĩa là cái ấn của trời rồi. Càng lên cao, không khí càng trở nên trong lành… Đứng từ đây nhìn xuống, sông Trà Khúc như một dải lụa xanh khổng lồ, ôm vòng quanh núi; còn cầu Trà Khúc như sợi chỉ nhỏ mỏng manh, vắt ngang qua, làm cho dải lụa thêm phần rực rỡ. Trời về chiều, nước sông dâng lên đầy ắp. Những tia nắng cuối cùng đua nhau rọi xuống dòng nước trong veo. Hàng trăm cánh buồm no gió, nối tiếp nhau xuôi dòng”. Phải có tình yêu quê hương da diết lắm thì cảnh vật mới hiện lên trong mắt người đẹp tuyệt vời như vậy. Đây cũng chính là điều mà các thầy cô giáo mong muốn mang lại cho học trò mình sau mỗi giờ văn học! Để rồi, tình yêu ấy lớn dần qua suy nghĩ của bao lứa học trò, gởi gấm bao niềm tâm sự chân chất, nồng nàn từ các bài viết đoạt giải ở những năm tiếp theo.
Những ước mơ bình dị
Những năm gần đây, đề thi ra của cuộc thi này theo hướng mở hơn, nhưng không quên tiêu chí gắn với thời sự xã hội. Đề thi năm 2011 của khối lớp 6, 7 xoáy vào chủ đề “Mầm xanh vươn lên” qua câu chuyện của một mầm xanh nhỏ bé, yếu ớt cố gắng vươn lên, chắt lọc tinh hoa từ đất mẹ để tự nuôi sống. Và trở thành một cây non xanh tươi. Yêu cầu của đề là trình bày cảm xúc và suy nghĩ về câu chuyện trên. Hãy nghe em Hoàng Thị Trang Châu Long (học sinh lớp 7/6 Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú), đoạt giải ba cuộc thi, trải lòng: “Cuộc sống của chúng ta giống như một chặng đường dài có lắm chông gai nhưng cũng đầy thú vị. Nếu một ngày ta gặp khó khăn, ta vấp ngã trên chặng đường ấy thì hãy dũng cảm đứng lên. Bởi vì ta cũng giống như những mầm xanh yếu ớt mọc lên trên mảnh đất cằn cỗi để tạo nên sức sống cho đời. Tất cả đều nhờ vào bản thân ta. Có những lúc tôi tự hỏi rằng, cuộc sống của tôi sẽ như thế nào nếu thiếu sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ? Có lẽ tôi sẽ không làm được gì, vì tôi không đủ dũng cảm, không đủ quyết tâm. Vậy mà giữa bãi đất đen cằn cỗi, mầm xanh ấy, một mình nó tự nuôi sống bản thân. Chắt lọc tinh hoa từ mảnh đất mẹ và lớn lên từng ngày. Nó vươn mình kiêu hãnh, không sợ bàn chân ai qua đạp phải, không sợ bàn tay nghịch ngợm nào đó bứt đi. Thật khâm phục sức sống của mầm xanh này biết nhường nào…”.
Đề thi khối lớp 8 - 9 của cuộc thi yêu cầu các em viết về “Lời thì thầm của cuộc sống dành cho em”. Lê Hồng Cẩm Nhung (học sinh lớp 9/1 Trường THCS Tân Tạo, quận Bình Tân), đoạt giải nhất khối 8 - 9 như một nhà triết lý: “Hãy cứ bước đi thật bình thản trước những bộn bề lo toan của cuộc sống. Vì đôi khi ta mãi bị cuốn theo guồng quay phát triển chung của xã hội, trăn trở trước gánh nặng “cơm áo gạo tiền” của cuộc đời mà vô tình “quên mất” những giá trị, những nét đẹp bình dị đang hiện hữu xung quanh… Trong suốt chặng đường dài mải miết, ta chưa bao giờ ngoảnh lại phía sau, để thấy rằng, những năm tháng ta đã đi qua trên cuộc đời này đẹp đẽ biết bao”.
Chủ đề cuộc thi xuyên suốt trong 15 năm qua là viết về tình yêu gia đình, người thân, quê hương, đất nước. Vượt ra khỏi phạm vi một sân chơi mang tính phong trào, cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” đi vào đời sống học tập và sinh hoạt của học sinh. Các em rèn chữ và học văn với tất cả niềm say mê, sự yêu thích. Và chính vì ý nghĩa sâu sắc ấy mà chất lượng cuộc thi đã ngày một được nâng cao.
KIỀU PHAN
|