Cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt”: Hành trình đi tìm cái đẹp

Cuộc thi Văn hay chữ tốt là một hành trình đi tìm cái đẹp hài hòa giữa nội dung và hình thức trình bày. Nội dung, cách diễn đạt, sự rung cảm của trái tim được chắp cánh bởi vẻ đẹp của từng nét chữ. Từ đó, người đọc không chỉ rung cảm bởi vẻ đẹp tâm hồn trong trẻo học trò mà còn ở nét chữ mềm mại được nắn nót trên từng trang giấy.
Cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt”: Hành trình đi tìm cái đẹp

Cuộc thi Văn hay chữ tốt là một hành trình đi tìm cái đẹp hài hòa giữa nội dung và hình thức trình bày. Nội dung, cách diễn đạt, sự rung cảm của trái tim được chắp cánh bởi vẻ đẹp của từng nét chữ. Từ đó, người đọc không chỉ rung cảm bởi vẻ đẹp tâm hồn trong trẻo học trò mà còn ở nét chữ mềm mại được nắn nót trên từng trang giấy.

Học sinh quận Tân Bình tại buổi thi Prudential - Văn hay chữ tốt. Ảnh: MAI HẢI
Học sinh quận Tân Bình tại buổi thi Prudential - Văn hay chữ tốt. Ảnh: MAI HẢI

Nơi trải nghiệm ước mơ

Từ những gợi ý về lối sống đoàn kết, tôn trọng, nâng đỡ mà bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh đề ra, đề thi khối 8-9 yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về lối sống của các bạn trẻ trong xã hội hiện nay. Với đề bài này, các em đã tự do trình bày những suy nghĩ cá nhân về cách ứng xử, cách sống của các bạn trẻ. Các em có cái nhìn khá toàn diện về lối sống của tuổi trẻ hiện nay.

Một bộ phận bạn trẻ đang mắc phải chứng bệnh “vô cảm”. Họ thờ ơ với xã hội xung quanh, với những mảnh đời bất hạnh. Họ không cần quan tâm đến lợi ích cộng đồng mà chỉ quan tâm đến những thứ họ muốn. Họ sẵn sàng làm điều tồi tệ để đạt được cái “muốn ấy” – cái ham muốn ích kỷ của bản thân. (Trần Nguyễn Ngọc Ngân - THCS Nguyễn Văn Tố, Q10)

Nhưng trên hết, bài thi của học sinh biết đề cao, hướng đến những lối sống tốt đẹp, có ý nghĩa:

Tình yêu thương con người, không gì đẹp bằng tình yêu thương con người! Tình yêu thương làm cuộc sống chúng ta tràn ngập lòng tin yêu và vị tha. Tình yêu thương giúp ta vượt qua những đắng cay của cuộc đời. Tình yêu thương lấp đầy những mất mát và rạn nứt, lấp đầy bản thân, lấp đầy cuộc sống”. (Lê Phúc Duy An - THCS Đặng Trần Côn, Q.Tân Phú)

Tình người được định nghĩa theo một công thức đặc biệt. Nguyên liệu gồm những trái tim, những tâm hồn xa lạ. Cách thức: tuy khác nhau nhưng được hòa quyện trong cùng một nhịp đập, giai điệu và luôn yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ với nhau khi trái tim kia buồn khổ, lạc nhịp. (Nguyễn Thị Hồng Duyên - THCS Đặng Trần Côn, Q.Tân Phú)

Với yêu cầu tưởng tượng và kể về cuộc sống 20 năm sau, đề thi khối 6-7 là cơ hội để các em tự tin bày tỏ ước mơ và những định hướng, dự tính cho tương lai.

Không quan trọng là thời gian ta sống bao lâu trên thế gian này mà quan trọng là cách sống của bạn ra sao mà thôi? Vâng, một cách sống đẹp luôn khởi đầu bằng những ước mơ. Hôm nay, em tham gia cuộc thi Văn hay – chữ tốt, em đọc đề bài, em chợt ngẩn ngơ nhìn lá phượng rơi rồi bỗng tự hỏi mình, phải rồi, bao lâu nay mình đã sống như thế nào và hai mươi năm sau mình sẽ như thế nào, mình đã có dự định gì cho tương lai chưa? Và đối với một cô bé lập dị như mình, sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ, liệu mọi thứ rồi cũng sẽ hoàn hảo? (Phạm Thị Thu Ngân –THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh)

Và thế giới của mơ ước mở ra, đẹp lung linh:

Sau hai mươi năm miệt mài học tập để biến giấc mơ màu hồng tươi đẹp của mình thành hiện thực, giờ đây tôi đã trở thành một nữ bác sĩ xinh đẹp và tài giỏi (SBD V-007) “Năm nay tôi mười hai tuổi, cái tuổi chưa đủ để định hướng chắc chắn cho tương lai sau này nhưng lòng tôi vẫn chứa đựng một ước mơ từ thuở bé, ước mơ trở thành một kiến trúc sư nổi tiếng” (SBD V- 0042).

Trong những ước mơ, có cả những lo lắng và định hướng cho tương lai!

Tôi không biết bệnh nhân của tôi có hài lòng về thái độ và tác phong làm việc của tôi không nhưng có lẽ họ sẽ bảo thầm “Cũng tốt đấy chứ. Thái độ không đến nỗi tệ”. Tôi thường ngồi xét lại những hồ sơ bệnh nhân vào cuối mỗi ngày và cũng ngồi xét lại những hành động, thái độ trong ngày. (Nguyễn Ngọc Nga – THCS Lý Chính Thắng 1, Hóc Môn).

Những điều người lớn cảm thấy bình thường, giản dị hoặc cho là mơ mộng viễn vông như “một ngôi nhà trồng toàn hoa hồng; được về thăm trường cũ; được sum vầy với gia đình khi mái tóc đã bạc hoặc được đứng trên bục nhận giải thưởng Nobel Y khoa …” đã được thế giới tâm hồn học trò đánh thức, để từ đó nhận ra mọi mơ ước đều đẹp, đều có sức mạnh nuôi dưỡng tâm hồn.

Đến những ý tưởng sáng tạo

Cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” diễn ra qua 3 vòng. Vòng thi cấp trường lựa chọn 6 học sinh (3 em khối 6-7 và 3 em khối 8-9) dự thi cấp quận. Vòng thi cấp quận chọn 6 em thi cấp thành phố. Kỳ thi chung kết (cấp thành phố) chọn ra 14 em có bài làm tốt nhất để trao giải.

Một bài viết của thí sinh đoạt giải.

Một bài viết của thí sinh đoạt giải.

Ở khối lớp 6-7, em Nguyễn Ngọc Nga (THCS Lý Chính Thắng – huyện Hóc Môn) đoạt giải nhất. Với nét chữ đẹp, giọng văn nhẹ nhàng mà giàu cảm xúc em đã dệt lên một tương lai tươi sáng. Mà còn ước mơ nào ấm áp hơn, chân thật hơn mái ấm gia đình hạnh phúc đầy ắp nụ cười. Trong gia đình đó, mỗi thành viên đều đem lại niềm vui cho người mà mình yêu thương. Bài viết của em giúp ta thêm trân trọng những  điều thật giản dị mà cảm động: “Sống trong cuộc đời, ai cũng cần có một gia đình. Tôi cũng vậy, tổ ấm của tôi bao giờ cũng tràn ngập hạnh phúc và tiếng cười”.

Ở khối 8-9, vượt qua 75 thí sinh, em Lê Phúc Duy An - THCS Đặng Trần Côn, Q.Tân Phú, đoạt giải nhất. Bài thi của em thuyết phục được ban giám khảo bởi nét chữ mềm mại, đều đặn, kiến thức xã hội phong phú và những suy tư, băn khoăn rất nhân bản. Em đọc nhiều, biết nhiều và có những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống. Bài viết đã thể hiện được nhận thức đúng đắn và khá toàn diện về lối sống của các bạn trẻ hiện nay.

Nhìn chung, ở cuộc thi năm nay, về “chữ đẹp”: đa số các em viết chữ rất đẹp, nét bút cân đối, đều đặn, mềm mại. Bài làm trình bày sạch, đẹp, bố cục rõ ràng. Một số em có cách viết rất riêng, mới lạ ở một số chữ (h, g, th, gh, ch…). Tuy nhiên, số lượng bài thi có sự sáng tạo trong cách viết chưa nhiều.

Về nội dung, với cách diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc, các em đã thể hiện thế giới tâm hồn và những hiểu biết xã hội hết sức phong phú. Nhiều em học sinh khối 6-7 đã làm rung động tâm hồn người đọc bởi những ước mơ chân thật, những dự tính tốt đẹp cho tương lai. Bên cạnh những ước mơ về nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân, các em cũng thể hiện khao khát được cống hiến cho xã hội. Các em khối 8-9 có kiến thức xã hội phong phú, có cách lập luận thuyết phục. Các em đã có nhận thức, định hướng đúng đắn về lối sống ở lứa tuổi học sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế mà các em tham gia cuộc thi cần khắc phục. Trước hết là việc cân đối thời gian làm bài. Có em vì quá chăm chút nét chữ mà quên phần văn hay nên nội dung bài làm còn sơ sài. Có em viết cả bài văn ra nháp rồi sau đó viết nắn nót từng chữ vào bài thi dẫn đến không kịp thời gian, phần đầu chữ đẹp, phần sau chữ chưa đạt. Các em cũng cần lưu ý kỹ năng làm bài, nhất là việc phối hợp những thao tác khác nhau (tả, kể, biểu cảm…) trong bài tự sự (giải thích, chứng minh, bình luận) và bài nghị luận xã hội.

Vượt ra khỏi phạm vi một sân chơi mang tính phong trào, cuộc thi Văn hay chữ tốt đi vào đời sống học tập và sinh hoạt của học sinh. Các em rèn chữ và học văn với tất cả niềm say mê, sự yêu thích. Và chính vì ý nghĩa sâu sắc ấy mà chất lượng cuộc thi ngày một nâng cao. Chữ viết đã nâng lên thành nghệ thuật viết chữ, những suy nghĩ đã trở thành nhận thức, hành động. Văn là người mà nét chữ cũng là nết người. Rất mong các em học sinh luôn trau chuốt nét chữ và nuôi dưỡng những cảm xúc tươi đẹp của tâm hồn

TRẦN TIẾN THÀNH
(Chuyên viên Ngữ văn Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM)

Thông tin liên quan

>> Sức lan tỏa của một sân chơi

>> Bài thi đoạt Giải Nhất – Khối lớp 8-9 cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” lần 11, năm 2010 khu vực TPHCM

>> Bài thi đoạt Giải Nhất – Khối lớp 6-7 cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” lần 11, năm 2010 khu vực TPHCM

Tin cùng chuyên mục