Cuộc thi Prudential – Văn hay chữ tốt lần thứ 13 đã khép lại nhưng dư vị của Văn hay và của Chữ tốt vẫn sâu đậm nơi lòng người.
Viết cho điều yêu thương
Đề thi khối lớp 6 - 7 năm nay mở ra rất nhiều sự lựa chọn cho thí sinh:
“Một mùi hương quen, một dáng hình thân thuộc, một đồ vật gắn bó, một âm thanh mãi vang ngân trong tâm hồn… biết bao điều đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ta.
Em hãy viết bài văn về một trong những điều thân thương ấy”.
Với đề bài này, các em có thể tự do lựa chọn nội dung và kiểu bài theo sở thích, khả năng để viết. Nhưng cần đảm bảo điều được viết phải là “những điều thân thương để lại ấn tượng sâu sắc”. Nghĩa là yếu tố quen thuộc “thân thương” và yếu tố tạo dấu ấn, cảm xúc ấn tượng phải hòa đôi mới làm nên sự hấp dẫn cho bài viết.
Với các em và có thể với cả người lớn, còn gì thân thương và ấn tượng hơn là tiếng trống trường, giọng nói hàng ngày của mẹ, mùi vị của quê hương, chú búp bê mẹ tặng, chị bút máy được cô bạn thân yêu tặng cho, lời ru của mẹ, hương lúa đồng quê… Rất nhẹ nhàng, trong trẻo, các em dẫn người đọc vào thế giới của những điều giản dị, quen thuộc mà rất đỗi thân thương: “Chắc hẳn ai trên thế gian này ai ai cũng đều có một kỷ niệm sâu sắc luôn được cất giữ trong tâm hồn. Nó có thể là một mùi hương quen thuộc, một dáng người thân thương… Nhưng đối với tôi, điều đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất chính là lời ru của mẹ” (Trần Thị Thanh Thanh Hiền - THCS Nguyễn An Khương); Trong tâm hồn non nớt ngày xưa, tôi đâu nào biết cảnh đẹp quê hương tôi nó thế nào, tôi chỉ biết nơi đó, mỗi sáng, mùi hương lúa vẫn thường được gió đưa vào (Nguyễn Phương Lan Anh - THCS Trần Quang Khải).
Và các em cũng đã đọc ra rất nhiều thông điệp được gửi gắm trong những giá trị thân thương của cuộc sống. Có lẽ thầy cô đã gởi gắm vào tiếng trống tình yêu thương, những lời khuyên nhủ, động viên và an ủi tất cả học sinh thân yêu. Tất cả những tinh túy ấy hòa quyện với nhau tạo ra một bản hợp ca giòn giã, thúc giục như chính âm thanh của vật được gửi gắm (Võ Như Quỳnh - Trung học Thực hành Sài Gòn).
Giọng mẹ ru dịu dàng, âu yếm đã bao lần khiến tôi có cảm giác ấm áp, an tâm lạ thường… Đến bây giờ tôi mới hiểu rằng: từ bé, mẹ đã dạy tôi cách sống, cách làm người qua những lời ru … Giọng ru của mẹ đã mãi mãi ngân vang trong tâm hồn tôi, như một bài ca bất diệt, thân thương và sâu lắng! (Trần Thị Thanh Thanh Hiền - THCS Nguyễn An Khương). Đó là tiếng lòng đầy yêu thương trước những giá trị giản đơn của cuộc sống.
Vậy đấy, trân trọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống cũng là một biểu hiện của vẻ đẹp nhân cách. Mỗi bài thi như lời nhắc nhớ “Trong cuộc sống, dù vô tình hay cố ý, biết bao điều đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ta. Cuộc sống vội vã ngày nay làm cho ta quên đi những điều tưởng chừng như xa vời nhưng nó lại ở ngay cạnh ta” (Võ Như Quỳnh - Trung học Thực hành Sài Gòn).
Sức trẻ Việt Nam
Đề thi khối 8 - 9 là một chuỗi hình ảnh vừa tương đồng vừa có những khác biệt của các bạn trẻ Việt Nam thời chiến tranh và trong hòa bình. Với đề thi này, thí sinh phải có cái nhìn khái quát, toàn diện về tuổi trẻ Việt Nam theo chiều dài lịch sử, từ lúc đất nước còn chiến tranh với nhiều khó khăn gian khổ đến khi hòa bình với nhiều thuận lợi, phát triển và theo không gian rộng lớn từ môi trường học đường đến nơi biển đảo xa xôi. Từ cái nhìn khái quát, thí sinh rút ra những phẩm chất tốt đẹp mang tính đặc trưng và những khác biệt của tuổi trẻ Việt Nam trong những thời kỳ khác nhau của đất nước.
Điểm hấp dẫn của bài làm chính là giới trẻ nhận thức về chính họ. Em Bùi Lê Hương Quỳnh - THCS Trần Văn Ơn chia sẻ: Có lẽ rằng tuổi trẻ là cái tuổi đẹp nhất của một đời người, cái tuổi ai ai cũng muốn nó tồn tại vĩnh cửu, để rồi con người ta có thể tự do học tập vui chơi, tự do làm những việc mình thích, được chăm sóc, chở che và quan tâm. Vâng, tuổi trẻ Việt Nam là thế: hăng say - năng động - nhiệt huyết - tự tin. Và Tuổi trẻ - cái tuổi với biết bao ước mơ, khát vọng, cái tuổi bồng bột nhất thời nhưng cũng là cái tuổi đầy sáng tạo, đầy ý chí quyết tâm, đầy niềm tin vào cuộc sống.
Nhận thức về tuổi trẻ cũng là tìm ra nét đẹp rất riêng của sức trẻ: Tuổi trẻ, đó là ước mơ, là niềm tin, là sự vươn lên, là những hạt mầm được gieo cho một viễn cảnh tương lai tốt đẹp. Dù là trong thời chiến hay thời bình, những hạt mầm ấy luôn chứa chan nghị lực, ý chí và niềm tin vượt lên mọi nghịch cảnh (Trần Thị Thanh Tâm - THCS Bình Chiểu).
Dù có khoảng cách rất xa về thời gian, tuổi trẻ hôm nay vẫn có cái nhìn khá chính xác về lịch sử và những người đã từng rất trẻ: Thời kỳ chiến tranh, mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng có rất nhiều học sinh vẫn đến lớp học một cách vui tươi với nụ cười rạng rỡ trên môi. Hành trang của các bạn ấy, ngoài sách vở thì còn có túi cứu thương và cả những chiếc cáng bằng tre thật giản đơn. Và hơn cả là các bạn ấy mang theo bên mình một niềm tin tươi sáng của tuổi trẻ (Hồ Thanh Nhã - THCS Lam Sơn). Chính vì hiểu về sức trẻ thời chiến tranh mà các em bộc lộ trực tiếp cảm xúc ngưỡng mộ: Trong thời chiến tranh, mặc cho hiểm nguy, mặc cho kẻ thù hoành hành khắp nơi thế nhưng các bạn học sinh vẫn kiên trì cắp sách đến trường để học cái chữ. Dù cho điều kiện học tập vô cùng khó khăn nhưng các bạn ấy nào có bỏ cuộc. Thật đáng ngưỡng mộ! (Nguyễn Hoàng Quyên Anh - THCS Trần Văn Ơn).
Các em cũng nhận thức rõ, tuổi trẻ ngày nay không tách mình ra khỏi dòng lịch sử mà nhận sự kế thừa và tiếp nối những phẩm chất tốt đẹp của cha anh. “Tuổi trẻ ngày xưa thật hiếu học và dũng cảm phải không? Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay cũng vậy, cũng có tinh thần học hỏi cao và một tình yêu dành cho quê hương, nước nhà luôn nồng ấm, cháy rực trong tim” (Hồ Thanh Nhã - THCS Lam Sơn).
Khi đánh giá về tuổi trẻ, về bản thân, các em không chỉ nhận ra nét riêng, thế mạnh mà còn nhận thức rất rõ những hạn chế, yếu kém của một bộ phận giới trẻ. Đó là những lời nhắc nhở rất sâu sắc cho thái độ sống thờ ơ, vô cảm của một bộ phận thanh niên đối với đất nước, với mọi người và với chính bản thân họ. “Trong thực tế, có nhiều thanh niên bỏ bê việc học, sống hoài, sống phí. Họ nhấn chìm mình trong bia rượu, thuốc lắc, những cuộc thác loạn ở vũ trường. Một số mắc “căn bệnh” vô cảm, nhiễm thứ văn hóa lai căng chê bai Tổ quốc” (Phan Kiều Cát Như - THCS Lê Quý Đôn). Tiếng nói phản biện ấy cho thấy các em đã có nhận thức và định hướng đúng đắn về lối sống ở lứa tuổi học sinh.
Tuy nhiên, trong kỳ thi năm nay vẫn còn nhiều em viết chữ chưa đẹp, văn chưa sâu sắc, chưa cảm xúc. Cũng có em vì quá chăm chút nét chữ mà quên phần văn hay nên nội dung sơ sài. Có em viết cả bài văn ra nháp rồi sau đó viết nắn nót từng chữ vào bài thi dẫn đến không kịp thời gian, phần đầu chữ đẹp, phần sau chữ chưa đạt. Các em cũng cần lưu ý kỹ năng làm bài, nhất là việc phối hợp những thao tác khác nhau (tả, kể, biểu cảm…) trong bài làm và giải thích, chứng minh, bình luận… trong bài nghị luận xã hội.
Cuộc thi đã khép lại nhưng bao điều yêu thương vẫn mãi ngân vang trong tâm hồn và sức trẻ vẫn mãi căng tràn.
Tuổi trẻ ơi! Hãy cùng khắc ghi:
“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta
Mà hãy tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc?”
Vâng, chúng tôi là tuổi trẻ, chúng tôi mang theo cả ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai (Phan Kiều Cát Như - THCS Lê Quý Đôn).
Trần Tiến Thành
(Hội đồng Giám khảo cuộc thi)