Cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” được tổ chức hàng năm nhằm trau dồi, nâng cao kỹ năng “làm văn hay” và “viết chữ đẹp” cho học sinh. Không chỉ giúp các em rèn tính kiên trì, nhẫn nại qua việc nắn nót từng nét chữ, cuộc thi năm nay còn mở ra một không gian đong đầy yêu thương trong đề thi để các em được tự do bộc lộ cảm xúc. Đó cũng là cách để hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp, góp phần vun đắp, bồi dưỡng tâm hồn trong sáng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Vẻ đẹp đầu tiên của nhân cách
Từ những lời nhắn gửi đầy yêu thương mà bố mẹ dành cho con, đề thi khối lớp 6 và 7 tạo cơ hội để các em tự do bày tỏ tình cảm kính trọng, thương yêu, biết ơn… đối với cha mẹ trong thời điểm hiện tại và cả sau này, khi cha mẹ đã già yếu. Những cảm xúc này sẽ là hành trang mang theo để các em ý thức hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ.
Với cảm xúc trong sáng, chân thành, các em gửi gắm biết bao yêu thương vào bài thi. Có thể thấy từ ngữ được nhắc đến nhiều nhất là “Bố mẹ ơi! Con yêu bố mẹ!”. Đó là lời nói muôn thuở, muôn đời của tất cả những người con trên thế gian này. Những lời thiêng liêng ấy khi xuất phát từ tình cảm chân thành tận đáy lòng trẻ thơ thật lay động lòng người. Hãy lắng nghe các em tâm sự: “Mẹ hy sinh cả tuổi thanh xuân cho gia đình. Con ngày một lớn khôn, lưng mẹ cứ còng dần xuống. Vậy mà có bao giờ con để ý đến sợi tóc bạc vương trên mái đầu xanh của mẹ? Có bao giờ con nhìn thấy những nếp nhăn đã hằn lên sau đuôi mắt mẹ từ lúc nào! Con vô tư bước qua tuổi thiếu niên nhưng con nào biết chăng con đang bước qua chính cuộc đời mẹ.
Nhưng thời gian có bao giờ ngừng trôi? Rồi một ngày cha mẹ sẽ rời bỏ con mà đi. Con rất sợ ngày ấy sẽ đến. Con sợ rằng hoa hồng đỏ được thay bằng hoa hồng trắng trong ngày lễ Vu Lan. Không một ai bên con, con sợ hãi, con bật khóc!”. (Nguyễn Hà Bảo Thy - THCS Trần Quốc Toản, quận 9).
Chính vì yêu thương mà các em lo lắng một ngày nào đó cha mẹ không còn đồng hành với mình. Nỗi niềm lo lắng được diễn tả rất cảm động, sâu sắc qua những ngôn từ đầy chắt lọc: “Có nhiều lần, con đã từng nghĩ, mỗi sớm con thức giấc, con sẽ không được ngửi thấy hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ trong nhà bếp, được thưởng thức những món ăn tuyệt vời do chính tay mẹ nấu. Con sẽ không còn nhìn thấy cái dáng người gầy gầy của ba lom khom dọn đồ, mỉm cười khi nhìn thấy con”… (Nguyễn Thị Vân Anh - THCS Lê Anh Xuân, Tân Phú).
Trong suy nghĩ thơ ngây, có lẽ các em cũng từng mơ cha mẹ mình là những người nổi tiếng, giỏi giang. Nhưng rồi các em cảm nhận rõ hạnh phúc chính là được sống bên cạnh người cha người mẹ hiện tại – những người cơ cực, lam lũ nhưng đầy ắp tình yêu thương con cái: “Có lần, tôi đã ước cha là một bác sĩ nổi danh, hay một vị giáo sư thiên tài hay có thể đại loại là một trí thức. Nhưng cha vẫn thế, cha vẫn là một người tài xế thấp kém trong mắt mọi người nhưng con lại yêu cha hiện tại hơn, chính cái nghề tài xế ấy đã bao năm nuôi con khôn lớn”… (Nguyễn Lâm Thúy Phượng - THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6).
Tình cảm dành cho những người thân yêu là điều chưa bao giờ dễ nói, nhất là ở lứa tuổi của những cô cậu học sinh đang tập làm người lớn: Con đang dần lớn, con đã bước vào cái tuổi mà xã hội bây giờ người ta thường gọi là tuổi teen, cái tuổi với những suy nghĩ khó hiểu… có lẽ thế mà con khó mà sà vào lòng và ôm hôn bố mẹ như ngày con còn bé để bày tỏ tình cảm của con dành cho bố mẹ. (Trần Khánh Vy - THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10). Cuộc thi chính là chiếc cầu nối để các em tỏ bày với cha mẹ những điều thầm kín của trái tim. Con chưa nói với cha bao giờ nhưng con muốn cha biết rằng: “Mỗi sáng cha đưa con đi học. Chiều chiều cha lại đón con về. Con cảm nhận trong cái hơi nắng lẫn vào không khí mùi mồ hôi mệt nhọc của cha”.
Và chính vì vậy, Bay lên hỡi cánh chim tuổi thơ, xin gửi ngàn lời yêu thương này đến cha mẹ! (Lâm Quang Quỳnh Anh - THCS Lê Quý Đôn, quận 3).
Ngưỡng mộ, tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đề thi khối lớp 8 và 9 có những hình ảnh giới thiệu ngắn gọn về công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với tài năng quân sự kiệt xuất và những đóng góp vĩ đại cho dân tộc Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được báo chí thế giới ca ngợi là “vị tướng huyền thoại”, “sánh cùng với các vĩ nhân quân sự trong suốt 2.000 năm qua. Ông là nhân vật vĩ đại của mọi thời đại”. Nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì cho rằng: “Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng huyền thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”.
Từ những ngữ liệu trên, đề thi yêu cầu thí sinh rút ra bài học cho thế hệ trẻ hôm nay.
Đa số bài làm đều thể hiện niềm kính trọng, ngưỡng mộ và tự hào: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người sống mãi trong sự biết ơn của Tổ quốc Việt Nam, người khắc tên mình vào chiến thắng hào hùng Điện Biên Phủ, là một tấm gương sáng chói về tinh thần cống hiến sức mình cho đất nước, sống khiêm nhường và không tự nêu cao bản thân, dù tài năng của Bác được cả thế giới công nhận”. Trước tấm gương của Đại tướng, các em trăn trở: “Vậy giới trẻ hôm nay có rút ra được bài học gì ở Bác? (Lưu Ngọc Huyền Trân - THCS Tùng Thiện Vương, quận 8).
Trả lời câu hỏi này, bạn Thái Ngọc Gia Phúc - THCS Nguyễn Du, Gò Vấp, đã viết: “Đóng góp sức mình vào việc chung là cách để ta ghi lại dấu ấn trên cuộc đời thành công nhất. Và nếu đạt được kết quả mĩ mãn, thì thế hệ trẻ ơi, chớ nên kiêu căng, tự phụ”. Ngưỡng vọng tiền nhân, các bạn trẻ không quên nhìn lại chính thế hệ mình để rồi nhận thấy: “Giới trẻ hôm nay, đáng ngại nhất là cái tôi quá lớn. Chỉ dựa vào một chút thành công nhỏ nhặt mà đã tự mãn với khả năng của mình”. (Cao Trần Đoan Nghi - THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10).
Lý giải cho thái độ của giới trẻ, bạn Lê Huỳnh An Thủy - THCS Chu Văn An, quận 11, đã viết: “Chúng ta sống trong thời đại không có mùi thuốc súng, không nếm qua những đau khổ chiến tranh nên đôi khi ta quá hời hợt, quá vô cảm, quá đua đòi”. Từ đó bạn khẳng định: “Ta cần lấy vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm gương, để sống, học tập và làm theo những đức tính cao đẹp của người”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa nhưng những gì người để lại cho dân tộc Việt Nam thì còn mãi. Cùng với Bác Hồ, người đã giúp ta hình dung rõ về cách sống của những bậc vĩ nhân: “Hãy tự hào rằng dân tộc Việt Nam đã có những vĩ nhân gần gũi với đồng bào như thế. Bác Hồ và Tướng Giáp của chúng ta luôn xem mình bình đẳng với mọi người. Chỉ riêng lối sống ấy thôi, họ cũng xứng đáng là vĩ nhân rồi”. (Cao Trần Đoan Nghi - THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10). Võ Nguyên Giáp là một đại tướng nhưng ông không tự mãn. Ông tự nhận mình chỉ là “giọt nước trong biển cả”, một người trong muôn người đã góp công vào chiến thắng của dân tộc. Các bài thi đều khẳng định tuổi trẻ ngày nay nên noi theo tấm gương ấy, đóng góp hết mình nhưng không bao giờ tự kiêu tự đắc về những đóng góp của mình. Nếu mỗi thanh niên đều có thể làm thế thì ngày đất nước ta “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” sẽ không còn xa.
Vượt ra khỏi phạm vi một sân chơi mang tính phong trào, cuộc thi “Văn hay chữ tốt” đi vào đời sống học tập và sinh hoạt của học sinh. Các em rèn chữ và học văn với tất cả niềm say mê, sự yêu thích. Và chính vì ý nghĩa sâu sắc ấy mà chất lượng cuộc thi đã ngày một nâng cao.
Th.S TRẦN TIẾN THÀNH (Hội đồng giám khảo cuộc thi)
Đề thi khối lớp 6 và 7 Thư gửi con! (Trích “Thư gửi con” - Pierre Antoine) Từ cảm xúc mà lá thư trên gợi ra, em hãy viết bài văn bày tỏ tình cảm của mình với bố mẹ. |