Cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” lần thứ 14: Văn hay nói hộ lòng người

Văn hay quý ở tấm lòng. Khi mạch văn khơi đúng nguồn xúc cảm thì ý tứ liền mạch, câu chữ tràn trề. Đó là nhận định chung về 2 bài văn vừa đoạt giải nhất cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” vòng thi cấp thành phố Hồ Chí Minh vừa qua. Xin giới thiệu cùng bạn đọc 2 “suối nguồn” yêu thương đã vượt qua hơn 140 bài dự thi khác giành giải cao nhất của cuộc thi năm nay. 
Cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” lần thứ 14: Văn hay nói hộ lòng người

Văn hay quý ở tấm lòng. Khi mạch văn khơi đúng nguồn xúc cảm thì ý tứ liền mạch, câu chữ tràn trề. Đó là nhận định chung về 2 bài văn vừa đoạt giải nhất cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” vòng thi cấp thành phố Hồ Chí Minh vừa qua. Xin giới thiệu cùng bạn đọc 2 “suối nguồn” yêu thương đã vượt qua hơn 140 bài dự thi khác giành giải cao nhất của cuộc thi năm nay. 

Phần thưởng là một... nụ hôn

Thầy Võ Văn Hoàn Toàn, giáo viên chủ nhiệm lớp 7/9, Trường THCS Minh Đức (quận 1) cùng thí sinh Phạm Duy Tân - giải nhất khối 6 - 7.

Thầy Võ Văn Hoàn Toàn, giáo viên chủ nhiệm lớp 7/9, Trường THCS Minh Đức (quận 1) cùng thí sinh Phạm Duy Tân - giải nhất khối 6 - 7.

Tiếp xúc với Phạm Duy Tân, học sinh lớp 7/9, Trường THCS Minh Đức (quận 1) - giải nhất khối 6 - 7 năm nay, ấn tượng đầu tiên đối với người đối diện là khuôn mặt bầu bĩnh, nụ cười bẽn lẽn và cái lè lưỡi rất “học trò” mỗi khi gặp tình huống khó. Là con trai út trong gia đình có hai chị em, từ nhỏ Tân đã được ba mẹ yêu thương hết mực. Dẫu kinh tế gia đình còn nhiều khốn khó, ba làm nhân viên nhà in của Công ty cổ phần Vật phẩm văn hóa Sài Gòn, mẹ bán sữa đậu nành ở chợ nhưng chưa khi nào cậu bé Tân thiếu thốn đồ dùng học tập so với các bạn đồng trang lứa. Biết con mê đọc sách, cuối tuần nào ba Tân cũng sắp xếp thời gian chở em đi mua.

Thấy con ngại không dám lựa mua nhiều quyển sách vì sợ ba mẹ tốn tiền, chính ba Tân gợi ý: “Chỉ cần con thích và cố gắng học thật giỏi, tốn kém bao nhiêu ba mẹ cũng vui lòng”. Nhiều tác phẩm văn học đến năm lớp 8, 9 mới học nhưng thấy con thích, ba vẫn đồng ý trang bị cho em. Ngay cả việc rèn chữ đẹp cũng xuất phát từ lời động viên của ba: “Nét chữ nết người con ạ, chữ viết có đẹp mới làm tăng thêm nét duyên dáng của bài văn”. Nhờ đó cậu học trò vừa tròn 13 tuổi đã sớm có ý thức rèn chữ đẹp, yêu thích sử dụng các thành ngữ trong kho tàng văn học dân tộc như: “tròn như củ khoai”, “vĩnh hằng như vầng nhật nguyệt”, “trong sáng như pha lê…”, để làm giàu và đẹp hơn những bài văn của mình.

Khi được hỏi cảm nhận về đề văn năm nay, Tân chia sẻ: “Hồi nhỏ, trong một lần cãi mẹ đi chơi, em đã khiến mẹ khóc rất nhiều. Từ đó đến nay, em rất hối hận và chưa làm ba mẹ phật ý thêm lần nào”. Khi đề văn đề cập đến tình cảm gia đình, trong đó đặc biệt đề cao tình yêu thương bố mẹ, em đã bắt tay viết ngay mà không cần lập dàn ý hay suy nghĩ thêm điều gì. Cảm xúc từ những lần bắt gặp những giọt mồ hôi của mẹ khi phải thức dậy từ 2 giờ rưỡi sáng nấu sữa đậu nành đem ra chợ bán, hay những hôm ba đi làm về mệt nhoài với cặp mắt thâm quầng, làn môi tím đen đã khiến em không ngăn được dòng cảm xúc của mình và viết bài thi một mạch đến gần hết giờ làm bài.

Nhớ lại hôm đoạt giải nhì vòng thi cấp quận, phần thưởng ba mẹ dành cho em là một nụ hôn rất dài và rất sâu. Nay khi nhận tin đoạt giải nhất cấp thành phố, ba mẹ hỏi em muốn được thưởng quà gì, cậu học trò nhỏ - Chi đội trưởng của lớp 7A9 cười bẽn lẽn: “Chỉ cần hôm đi nhận giải, ba mẹ đi với con. Nhìn thấy ba mẹ vui và tự hào về con là phần thưởng lớn nhất dành cho con rồi”.

Nghiêng mình trước công ơn Đại tướng

Cô Trần Thị Hồng Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 9/1, Trường THCS Hoàng Lê Kha (quận 6) đang hướng dẫn Châu Huệ Mai - giải nhất khối 8-9 trong một giờ Anh văn.

Cô Trần Thị Hồng Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 9/1, Trường THCS Hoàng Lê Kha (quận 6) đang hướng dẫn Châu Huệ Mai - giải nhất khối 8-9 trong một giờ Anh văn.

So với Phạm Duy Tân thì thí sinh Châu Huệ Mai, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Hoàng Lê Kha (quận 6) chững chạc và trưởng thành hơn. Là đứa con duy nhất sinh ra trong một gia đình chuyên kinh doanh mua bán, người thân không có ai đi kháng chiến nhưng em lại có niềm say mê đặc biệt đối với việc tìm hiểu những trang sử hào hùng của dân tộc.

Cô Lê An Thư, giáo viên dạy Văn của Huệ Mai ở trường cho biết: “Dù tuổi đời chưa nhiều và bản thân em là con một nhưng Huệ Mai đã sớm có ý thức chia sẻ và tìm hiểu hoàn cảnh của những người xung quanh. Ở lớp, em lúc nào cũng hòa đồng với bạn bè, có món gì ngon cũng đem vô lớp cho các bạn cùng ăn. Riêng giọng văn của em lúc nào cũng đậm chất triết lý và giàu tính nhân văn”.

Điều đó thể hiện qua giọng văn không tin được là của một cô học trò lớp 9 như nhận xét của nhiều thành viên trong hội đồng giám khảo. “Nên nhớ, lúc cuộc sống vây quanh ta nhiều thử thách nhất chính là lúc cuộc sống ưu ái ta nhất. Nó muốn ta hiểu rằng sẽ học được rất nhiều từ những thử thách đó” hay như “Đất nước trong thời đại công nghiệp hóa, rô-bốt được sản xuất mang những đặc tính giống con người càng nhiều nhưng con người chúng ta càng ngày càng rô bốt hóa. Không biết yêu thương, dửng dưng trước những khó khăn của người khác, chà đạp, đánh giá thấp người khác, dẫu có tài năng nhưng quá kém về nhân cách”…

Ngoài ra, trong bài văn vừa đoạt giải nhất, em đặc biệt dành nhiều tình cảm kính yêu dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người vừa được cả dân tộc thành kính tiễn đưa về nơi vĩnh hằng. Từ việc cảm kích trước tài năng quân sự và tinh thần quyết đoán, em còn học hỏi ở Đại tướng tấm lòng quả cảm, lý tưởng sống cao đẹp, sự khiêm tốn và lòng vị tha.

  • Lược trích bài văn đoạt giải nhất của thí sinh Phạm Duy Tân, học sinh lớp 7/9, Trường THCS Minh Đức (quận 1):

...Tôi yêu cha mẹ tôi, yêu từng đôi mắt, đôi tay đến nụ cười, những giọt mồ hôi cay đắng. Hồi bé, tôi chỉ biết vòi vĩnh những món đồ xa xỉ rồi nôn nóng nhìn cha mẹ đưa những tờ giấy đủ màu sắc. Nhưng khi lớn lên, tôi chợt nhận ra rằng cái bàn học này là mồ hôi của cha mẹ, cái máy tính kia là nước mắt của mẹ cha. Tôi ghét những tờ tiền ấy, những tờ giấy đủ màu sắc nhưng đằng sau chúng là những giọt mồ hôi, nước mắt của mẹ cha.

…Dù thời gian có đưa tôi đi xa “sân ga tuổi thơ” bao nhiêu đi chăng nữa thì tâm hồn tôi vẫn luôn hướng về cha mẹ để mỗi khi nhớ về người, trái tim tôi lại hiện hữu hình ảnh của người. Và tôi mong rằng dù dòng thời gian có đẩy đưa chàng trai này đi đến nơi đâu thì cha mẹ vẫn ở bên tôi để tôi có thể chăm sóc miếng ăn giấc ngủ, nâng tựa gối mền, làm tròn chữ “hiếu” thiêng liêng.

…Cha mẹ biết không? Con sợ, sợ vô cùng, sợ cái ngày con mất cha mẹ. Mất đi bến đỗ bình yên, mất đi ngọn nến soi sáng đời con. Khi ấy, trái tim con sẽ cô đơn, lạnh lẽo biết nhường nào. Vào mỗi đêm, nỗi đau ấy sẽ gặm nhấm, giằng xé tâm hồn và thể xác con.

  • Lược trích bài văn đoạt giải nhất của thí sinh Châu Huệ Mai, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Hoàng Lê Kha (quận 6):

…Thanh niên chúng ta hãy học tập Bác - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những cuộc chiến tranh vì chính nghĩa, vì độc lập đất nước luôn đầy những khó khăn... Còn chúng ta thì sao? Gặp chút thử thách của cuộc đời đã buông xuôi, đầu hàng số phận. Một số bạn trẻ hiện nay thường đổ lỗi cho những đổ vỡ của gia đình, thất bại trong học tập để ngụy biện khi sa đà vào hút chích, nghiện ngập... Nên nhớ, lúc cuộc sống vây quanh ta nhiều thử thách nhất chính là lúc cuộc sống ưu ái ta nhất...

… Dẫu biết với ngòi bút nhỏ bé của mình vẫn không sao kể hết những chiến công, những phẩm chất cao đẹp đáng để giới trẻ học tập của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng với tình cảm, sự kính trọng tôi vẫn viết. Và thanh niên Việt Nam ơi! Đừng phụ lòng mong đợi của Bác. Hãy cố gắng học tập thật tốt để tương lai có thể xây dựng và phát triển đất nước. Ở một nơi nào đó, vị Đại tướng kính yêu luôn dõi theo ta.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục