100 năm chẵn đã trôi qua kể từ sự kiện bi hùng diễn ra ở miền Trung nước ta dưới ngọn cờ hiệu triệu của nhà vua trẻ yêu nước Duy Tân, do hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân trực tiếp lãnh đạo. Sau 2 năm bí mật vận động ráo riết, mưu đồ cứu nước chưa kịp khởi phát thì sự việc bị lộ và bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Vua Duy Tân bị đày biệt xứ. Hai chí sĩ Thái Phiên, Trần Cao Vân cùng nhiều nhà lãnh đạo khởi nghĩa khác như Phan Thành Tài, Lê Ngung, Lê Cơ, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu… bị bắt giam, tử hình. Cuộc vây ráp, khủng bố của kẻ thù tiến hành khắp Trung kỳ, nhất là ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, kinh thành Huế.
Cuốn sách Cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung kỳ năm 1916: 100 năm nhìn lại được nhóm tác giả của Khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH-NV TPHCM sưu tầm - biên soạn, do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành quý 3-2016, là công trình đáng chú ý về sự kiện trên. Sách gồm 3 phần chính, tập trung vào những vấn đề cốt yếu của cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung kỳ năm 1916. Thứ nhất là bối cảnh lịch sử của phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX dưới góc nhìn so sánh với phong trào dân tộc dân chủ ở châu Á và trên thế giới. Thứ hai là những vấn đề cơ bản của cuộc vận động khởi nghĩa: thời cơ, mục tiêu, lực lượng, thành phần lãnh đạo chủ chốt, tính chất, kết quả. Và thứ ba là phân tích giá trị, ý nghĩa, dấu ấn, tầm ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa sau 100 năm nhìn lại.
Bìa sách Cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung kỳ năm 1916: 100 năm nhìn lại
Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu lịch sử đã có một số bài viết và cách gọi tên khác nhau về sự kiện lịch sử này ở Trung kỳ như: Cuộc vận động khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân năm 1916, Cuộc bạo động kinh thành năm 1916, Cuộc mưu khởi Duy Tân ở Trung kỳ, Cuộc vận động khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội năm 1916…
Và bây giờ, nhóm tác giả cuốn sách Cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung kỳ năm 1916: 100 năm nhìn lại có lý lẽ riêng về cách gọi tên mới của sự kiện lịch sử này: “Định danh như vậy vì mặc dù đã có chủ trương, kế hoạch khởi nghĩa và có quá trình chuẩn bị về mọi mặt trong suốt hai năm - tính từ cuộc họp mặt các nhà yêu nước Trung kỳ tại Đà Nẵng (tháng 3-1914) cho đến khi bị thực dân Pháp đàn áp (tháng 5-1916), nhưng thực tế chủ trương và kế hoạch hành động này chưa kịp tiến hành, chưa biến thành một cuộc khởi nghĩa thực sự (trừ cuộc nổi dậy duy nhất ở phủ Tam Kỳ đêm 3-5-1916)”.
Từ quan điểm đó, chủ biên Hà Minh Hồng cùng các nhà nghiên cứu Sử học TPHCM đã gọi sự kiện năm 1916 ở Trung kỳ là “cuộc vận động khởi nghĩa” thay vì “cuộc khởi nghĩa”, “cuộc mưu khởi” hoặc “cuộc bạo động”... nhằm định danh cho chuẩn xác hơn.
Dù tác phẩm Cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung kỳ năm 1916: 100 năm nhìn lại chưa phải là công trình mang tính toàn diện về sự kiện lịch sử quan trọng của 100 năm trước, nhưng đây là tiếng nói kịp thời có ý nghĩa, được viết dưới dạng phổ quát, đáng tìm đọc.
TƯỜNG MINH