Cười ra nước mắt

Tôi có ông bạn hàng xóm là giáo viên đã nghỉ hưu. Những hôm không phải đưa đón cháu đi học, ông thường qua nhà tôi chơi. Hôm thì pha ấm trà ngồi kể chuyện đông, tây, kim cổ… nghe chơi. Hôm thì làm mấy ván cờ tướng, khỏi sợ nhàn cư vi bất thiện. Hôm xung độ, chạy ra quán mua mấy món cầy tơ về vừa lai rai vừa trò chuyện.

Nói là nhậu chứ thật ra là nâng lên đặt xuống cho xôm vậy thôi chứ uống được bao nhiêu. Ăn lại càng không được, này nhé: thịt cũng sợ, ngọt cũng sợ, cay cũng sợ luôn, chỉ còn đắng rắng chịu. Bởi thuốc đắng dã tật, ở tuổi này rờ chỗ nào cũng thấy bệnh, nào là tim mạch, huyết áp, tiểu đường, đủ thứ mãn tính vân vân và vân vân… Nên thuốc đắng, rau đắng, nói chung là mọi thứ đắng ráng mà nuốt. Nuốt cho hết bệnh, trước là đỡ khổ cái thân, sau là để con cái đỡ phải lo cho mình. Thế là sướng rồi, còn mong muốn gì hơn?

Câu chuyện đang nổ như bắp rang vậy mà ông bạn của tôi lại buông tiếng thở dài, làm cho không khí tự nhiên chùng xuống. Ông rót đầy ly rượu, nâng lên, rồi làm một hơi cạn sạch. Ông khà một tiếng thật dài, rồi chậm rãi nói:

- Ông ạ, nay mai tôi phải đi Bắc vài tháng.

Cảm giác ông có tâm sự cần sự chia sẻ, nên tôi hỏi:

- Ủa, có chuyện gì quan trọng sao, mà bác đi tới mấy tháng dữ vậy.

- Quan trọng chứ, chuyện của mình sao không quan trọng. Tôi nói ông nghe nhé: năm nay tôi đã thất thập cổ lai hy rồi.

Nghe ông nói tôi phá lên cười cắt ngang:

- Bác lẩm cẩm rồi. Ngày xưa thất thập mới cổ lai hy. Ngày nay thì thất thập vẫn còn xuân chán.

- Xuân cái nỗi gì. Như tôi đây: một trai, bốn gái, dâu có, rể có, cháu nội có, cháu ngoại có. Mà ông biết đấy, con trai còn nàng dâu, con gái còn chàng rể, gặp đứa hiền thảo chẳng nói làm gì. Gặp đứa coi đồng tiền như con bò mộng, nuốt được miếng cơm của nó cũng mắc nghẹn. Đấy, vừa rồi báo đăng đàng hoàng cái ông chánh văn phòng tỉnh x… đẩy mẹ mình té lên té xuống, một hình ảnh mà ai nhìn thấy cũng đau lòng. Thọ như vậy thọ để làm gì. Người xưa có câu “đa thọ tắc đa nhục” ông không nghe đó sao?

- Chuyện đó thì liên quan gì đến bác? Tôi hỏi.

- Thì trông người lại ngẫm đến ta, nên lần này tôi quyết tâm về Bắc vài tháng, mà ông biết tôi về làm gì không?

- Bác không nói sao tôi biết. Ông nhìn tôi cười vẻ mặt rất nghiêm túc.

- Tôi về Bắc đi ăn trộm.

Tôi giật mình, trợn mắt nhìn ông.

- Bác nói giỡn chơi!

- Thật đấy không giỡn đâu. Thú thật với ông, suốt cuộc đời tôi từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ này, đầu đã bạc rồi chưa hề lấy trộm, lấy cắp của ai dù là một ly, một tấc. Nhưng bây giờ, tôi phải đi ăn trộm thôi. Tôi phải về tận quê rình nhà mấy bà hàng xóm coi nhà nào nuôi gà, mà phải là gà mái đẻ đang ấp trứng, tôi quyết bắt trộm cho được một con. Ông biết rồi đó, “chửi như mất gà”. Mấy bà quê tôi chửi độc lắm, chửi có sách đàng hoàng. Này nhé: “Cha tiên sư bố cái thằng đàn ông, cái con đàn bà kia, cái thằng già, cái thằng trẻ kia, mày bắt trộm con gà mái đẻ của bà, mày ăn có ngon không? Mày ăn con gà của bà, mày đi đằng sông mày chết đằng sông, mày đi đằng chợ mày chết đằng chợ. Mày ăn con gà của bà, mày đau một giây, mày chết một giờ…”.

- Đấy, ông thấy không, tôi chỉ cần mấy bà nguyền rủa cho mình được “đau một giây, chết một giờ” thế là đạt yêu cầu của tôi rồi. Chết như vậy vừa sướng cái thân, vừa rảnh cái nợ cho con cái.

- Ông vừa dứt lời, tôi ôm bụng cười, cười đến đau cả ruột, cười đến nỗi ràn rụa cả nước mắt. Những giọt nước mắt của tôi, của bác ấy chảy tràn xuống ly rượu lúc nào không hay biết. Còn món cầy tơ nhiều mỡ quá nuốt không vô.

Xuân Hòa

Tin cùng chuyên mục