Trong lúc trận lũ nghiêm trọng nhất 50 năm qua đang khiến chính phủ Thái Lan vất vả đối phó thì với bản thân mình, Thủ tướng Yingluck cũng phải đối mặt với sự tụt giảm uy tín mạnh. Cuộc khảo sát trong lũ lụt cho thấy đa số người dân Thái Lan không tin tưởng vào nhà chức trách về khả năng ứng phó với trận lũ.
Kết quả thăm dò dư luận do báo Bangkok Post thực hiện sau 3 tháng tân thủ tướng Thái Lan cầm quyền cho thấy, bà Yingluck chỉ nhận được 4,98 trên thang điểm 10. Số điểm chỉ ở mức trung bình, nên làm tăng sự nghi ngờ về việc trận lũ sẽ gây nhiều tổn hại chính trị cho vị nữ thủ tướng đầu tiên xứ Chùa Vàng. Thời gian này đã xuất hiện cụm từ Trận hồng thủy mang tên Bangkok, ám chỉ sự giận dữ của người dân trước phản ứng của chính phủ khi đối phó với lũ.
Nhận định của trang tin Asiancorespodent cho rằng có lẽ bà Yingluck đã sai lầm về sách lược khi quá chú trọng tìm cách làm chậm dòng chảy của hàng tỷ mét khối nước để bảo vệ Bangkok nhưng lại làm chậm tốc độ thoát lũ khỏi các tỉnh miền Trung và Đông Bắc.
Động thái này bị đánh giá chỉ nhằm cứu tầng lớp giàu có và trung lưu ở thủ đô, trong khi lại đẩy đông đảo người dân nghèo ở nông thôn, những người từng bỏ phiếu ủng hộ chính phủ của bà phải kéo dài thời gian sống chung với lũ. Các nhà đầu tư nước ngoài bị bất ngờ trước dự báo thiếu tin cậy về đường đi của nước lũ khiến họ không kịp trở tay. Các thành viên đảng Puea Thai cầm quyền cũng tỏ ra không hài lòng cách đối phó với “giặc nước” của chính phủ. Sự bất đồng trong nội bộ đã dẫn tới một “cuộc chiến nước” giữa chính quyền Bangkok và chính phủ Thái Lan.
Hậu quả nặng nề của trận lũ đặt nội các của bà Yingluck vào một giai đoạn khó khăn mới. Chính phủ của bà Yingluck sẽ phải mất nhiều tháng làm việc và vay thêm hàng chục tỷ USD để khắc phục hậu quả của lũ. Các kế hoạch chi tiêu để phục hồi sau lũ có lẽ sẽ dễ dàng được Quốc hội Thái Lan thông qua, do Puea Thai và đồng minh đang nắm đa số ghế trong hạ viện. Nhưng còn rất nhiều rào cản đang đợi chính phủ của bà Yingluck phía trước.
Các đối thủ chính trị của Thủ tướng Yingluck và có thể là cả quân đội, đã và sẽ nhân cơ hội này để làm giảm uy tín của bà. Thách thức lớn nhất, theo các nhà phân tích chính trị, phải có khả năng lèo lái nền kinh tế phục hồi nhanh sau thảm họa. Ngoài ra, bà còn phải phục hồi niềm tin của dư luận trong và ngoài nước, thông qua việc phát triển các cơ sở hạ tầng giúp ngăn lũ hiệu quả và tránh thảm họa lặp lại.
Ông Thitinan Pongsudhirak, một nhà phân tích chính trị ở Đại học Chulalongkorn nhận định: “Nếu bà Yingluck vẫn tỏ ra vụng về và lúng túng, dù bà còn nắm quyền sau lũ thì toàn bộ con đường trước mặt chỉ còn là xuống dốc mà thôi”. Vô hình trung, bao công sức của bà Yingluck cùng những người góp công trong chiến dịch đưa bà lên đỉnh vinh quang cũng sẽ bị cuốn theo dòng lũ dữ.
Thanh Hằng