Trưa hôm qua 25-12, nhận được tin báo của một đồng nghiệp về việc bác Ngô Xuân Quýnh đã mất lúc rạng sáng, tôi không khỏi thấy bàng hoàng. Mới cách đó 2 hôm, tôi vẫn còn gặp ông và nghe ông hỏi về những thông tin mới nhất liên quan đến vụ án bán độ của đội U-23 quốc gia. Ngay cả bạn đồng nghiệp làm ở Báo Bóng đá cũng thế, anh nói rằng mới đêm hôm trước bác Quýnh vẫn còn làm việc bình thường, đến đọc bản bông tại Tòa soạn.

Ông Ngô Xuân Quýnh.
Là một phóng viên thể thao mới vào nghề, tôi không có cơ hội được làm việc và tiếp xúc nhiều với ông. Tuy nhiên, 2-3 lần trò chuyện xã giao và 4-5 lần hỏi chuyện, phỏng vấn ông liên quan đến các vấn đề thời sự bóng đá đã để lại trong tôi những ấn tượng tốt và cảm xúc khó quên về ông, người mà cánh phóng viên trẻ vẫn gọi là “bác Quýnh”. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in về lần gặp gỡ với ông khi tôi lần đầu tiên trong cuộc đời phóng viên đi phỏng vấn.
Đó là vào thời điểm khi Thể Công xuống hạng và đã có những lời mời của lãnh đạo đội bóng mời ông quay lại làm HLV trưởng ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Gọi điện thoại xin phép, tôi được ông mời đến nhà riêng nằm trên một con ngõ tại “phố nhà binh” Lý Nam Đế, Hà Nội. Dù vừa phải nằm viện về nhưng ông vẫn đón tiếp phóng viên trẻ thật nhiệt tình và câu trả lời của ông về vấn đề Thể Công hay nói chính xác hơn câu chuyện của ông thật háo hức và say mê.
Điều đó làm người đối diện quên đi một ông già 70 tuổi mà cứ ngỡ như ông vẫn đang giữ cương vị là Trưởng đoàn Thể thao Thể Công oai hùng ngày nào. Xong câu chuyện – phỏng vấn, khi được hỏi về cuộc sống gia đình, ông lại say sưa kể về cậu con trai Ngô Quang Tùng nay là Bình luận viên bóng đá của Đài Truyền hình Việt Nam. Sự khâm phục của tôi đối với ông bắt đầu kể từ ngày đó.
Mới chỉ được xem bóng đá kể từ năm 1985 nên những bài viết, những câu chuyện bóng đá của ông trong mục “Lưu danh sân cỏ” (Báo Bóng đá) và “Một trăm năm bóng đá Việt Nam” (Báo Thể thao TPHCM) đặc biệt cuốn hút tôi khi muốn bổ sung thêm kiến thức về bóng đá.
Những lần gặp ông ở LĐBĐVN hoặc ở một cuộc họp báo nào đó, cánh phóng viên trẻ lại “quây” ông để được nghe kể về những ngày quản lý bóng đá, làm HLV bóng đá thật khó khăn song lại rất say mê và cống hiến hết mình của toàn thể những người làm bóng đá trong đó có các HLV và các cầu thủ. Trí nhớ siêu phàm của một con người đã 55 năm gắn bó với bóng đá cộng với tính hài hước, dí dỏm đan xen trong câu chuyện khiến chúng tôi không cảm thấy bị nhàm chán, thậm chí còn háo hức lắng nghe khi thấy những thông tin đó có giá trị cho công việc – nghề nghiệp của mình.
Những lời kể một cách chi tiết, rạch ròi của ông về những lần Bác Hồ đến SVĐ xem bóng đá, những trận đối đầu giữa các đội bóng 2 miền Nam – Bắc những năm 1975-1976 hay những trận derby của Công an Hà Nội – Thể Công trong suốt vài chục năm... đã khiến người nghe như được sống lại những giờ phút lịch sử đầy tự hào. Những nhận xét về cách đặt vấn đề, cách viết, sử dụng từ ngữ và đặc biệt là thái độ, mức độ chỉ trích những tiêu cực trong bóng đá của ông đối với các phóng viên thể thao cũng làm cá nhân tôi đôi lúc phải nhìn nhận lại chính mình.
Đam mê với trái bóng và nghiệp bóng đá, ở tuổi về hưu song ông vẫn chưa chịu ngừng nghỉ làm việc. Ông nhận lời làm Biên tập viên ở Báo Bóng đá và luôn sẵn sàng nhận lời mời phỏng vấn hoặc bình luận trên truyền hình, báo viết, báo điện tử. Công trình “Lịch sử bóng đá Việt Nam” mà UBTDTT, LĐBĐVN “đặt hàng” ông và nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn đang dang dở sau khi VFF khóa 5 “bỏ quên”... Thế mà ông đã vội ra đi.
Tiếc thay cho bóng đá Việt Nam đã mất đi một cuốn từ điển sống, tiếc thay cho bóng đá Việt Nam khi không còn nữa một chuyên gia bóng đá dạn dày kinh nghiệm. Mong sao hương hồn ông nơi chín suối sẽ mỉm cười khi biết rằng những thế hệ đàn em – đàn cháu của mình vẫn tiếp tục ngày ngày gắn bó với bóng đá Việt Nam.
Được tin ông Ngô Xuân Quýnh, Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn TDTT Thể Công, nguyên Phó Chủ tịch LĐBĐVN khóa 1, đã từ trần lúc 6g10 ngày 25-12-2005 (nhằm ngày 25 tháng 11 năm Ất Dậu). Hưởng thọ 73 tuổi. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ động quan lúc 10g30 ngày 27-12-2005, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội. |
AN HƯNG